Tin sự kiện

Năm 2018 - FECON sẵn sàng cho “cuộc chơi lớn”

  • 12.03.2018
  • |
  • 3116 (Lượt xem)

Đặt mục tiêu doanh thu 3.500 tỷ đồng cho năm 2018, FECON đã chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng để mở rộng thị trường và lấn sân sang những lĩnh vực mới.

Kế hoạch huy động đầy tham vọng

Từ đầu năm đến nay, Công ty cổ phần FECON (mã FCN - HOSE) đã 2 lần công bố phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ, gồm đợt phát hành 33 triệu cổ phần với giá 15.000 đồng/cổ phần chào bán cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1.000:607 và phát hành 2,5 triệu cổ phiếu ESOP theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty với giá 10.000 đồng/cổ phần.

Ngoài hai đợt phát hành trên, FECON cũng dự kiến phát hành 25 triệu cổ phần cho đối tác chiến lược với giá không dưới 22.000 đồng/cổ phần. Mặc dù chưa để lộ danh tính đối tác này, song động thái nới room ngoại lên 75% hồi năm ngoái cho thấy FECON sẽ phát hành số cổ phần này cho đối tác chiến lược nước ngoài.

Dự kiến, FECON sẽ thu về 1.070 tỷ đồng từ 3 đợt phát hành nói trên. Điểm đặc biệt là các đợt phát hành của FECON mặc dù được công bố từ năm ngoái nhưng đến đầu năm nay mới chính thức triển khai, trong bối cảnh FECON công bố báo cáo tài chính quý IV/2017 và năm 2017 đạt doanh thu hợp nhất 2.320 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu của FECON đã được Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank (VCBS) - đối tác tài chính thân thiết của Công ty nhận làm đơn vị bảo lãnh. Bên cạnh đó, báo cáo của Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) phát hành tháng 1/2018 tiếp tục đưa ra khuyến nghị nhà đầu tư nên mua vào cổ phiếu FCN, vì những chỉ số tăng trưởng tích cực từ báo cáo tài chính.

Điều này cho thấy, các tổ chức đều đánh giá cao FECON và bức tranh tài chính của công ty này. Có thể thấy, dù chưa đạt kế hoạch doanh thu, nhưng lợi nhuận của công ty vẫn đạt kế hoạch ở tỷ lệ 95%; doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng lần lượt là 10% và 16% so với năm 2016. Bên cạnh đó, tổng tài sản tại thời điểm 31/12/2017 tăng 14% so với thời điểm đầu năm, đạt 3.803 tỷ đồng, hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn (Tài sản ngắn hạn/Nợ ngắn hạn) tiếp tục duy trì ở mức an toàn, đạt 1,59.

Đặc biệt, năm 2017 cũng ghi nhận sự vươn lên mạnh mẽ của Công ty cổ phần FECON South tại thị trường phía Nam. Dù chỉ mới thành lập từ tháng 6/2016, nhưng sau hơn một năm, FECON South đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng thần tốc. Kết thúc năm 2017, Công ty đã mang về 500 tỷ đồng doanh thu, đóng góp quan trọng cho doanh thu của toàn hệ thống. Điều này cho thấy nước đi chiến lược chinh phục thị trường phía Nam và khẳng định vị thế trong vùng kinh tế năng động nhất cả nước của FECON là hoàn toàn hợp lý.

Năm 2017, FECON đã trúng thầu nhiều dự án lớn như những gói tiếp theo tại Dự án Nhiệt điện Long Phú 1, Dự án casino Nam Hội An, Dự án Bột giấy Quảng Ngãi, Dự án Metro số 1 TP.HCM (Bến Thành - Suối Tiên), Dự án Metro số 3 Hà Nội, các dự án xây dựng bất động sản như Empire City, Gamuda Celadon, Palm City...

Đặc biệt, FECON cũng là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên chuyển nhượng thành công cổ phần tại một dự án BOT cho đối tác nước ngoài, thông qua việc chuyển nhượng thành công 20% cổ phần tại Dự án BOT Phủ Lý cho Nexco - Jexway  (Nhật Bản).

 FECON định làm gì với ngàn tỷ?

Theo thông tin FECON công bố, số tiền huy động dự kiến đạt 495 tỷ đồng từ đợt phát hành cho cổ đông hiện hữu dùng để góp tăng vốn vào CTCP Fecon South (50 tỷ đồng); đầu tư vào CTCP Công trình ngầm Fecon (112 tỷ đồng); đầu tư vào Dự án điện mặt trời Vĩnh Hảo 6 (108 tỷ đồng) và bổ sung vốn lưu động (225 tỷ đồng).

Dễ nhận thấy, kể từ sau khi đổi công ty một cách ngắn gọn chỉ còn là Công ty cổ phần FECON, công ty này đã thể hiện rõ quyết tâm trở thành doanh nghiệp hàng đầu về hạ tầng. Song song với câu chuyện “thấu hiểu lòng đất”, FECON đã thể hiện tham vọng “chinh phục tầm cao” định hướng tổng thầu nền móng tại Empire city; lấn sân sang mảng xây dựng công nghiệp khi nhận xây dựng móng ống khói ở Dự án Nhiệt điện Long Phú, tham gia thi công toàn bộ hạ tầng và xây dưng công nghiệp tại Dự án Christobalite, Transimex Hưng Yên với tổng giá trị trên 200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, mảng hạ tầng cũng được công ty này đẩy mạnh, thể hiện ở việc tham gia hầu hết các hạng mục hạ tầng tại dự án tỷ đô Thép Hòa Phát - Quảng Ngãi.

Sự tăng trưởng tốt ở thị trường phía Nam, cộng với việc tham gia vào những dự án lớn khiến FECON bận rộn ngay từ những ngày đầu năm. Tính đến ngày 1/3/2018, FECON có khoảng 1.400 tỷ đồng giá trị hợp đồng đã ký để thi công. Các hợp đồng này chủ yếu đến từ các dự án lớn như Nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhà máy Ô tô Vinfast (Hải Phòng), Dự án LG Hải Phòng…

Hiện tại, cả hai nhà máy sản xuất cọc bê tông ly tâm dự ứng lực của FECON tại Hà Nam và Nghi Sơn Thanh Hóa đều phải vận hành hết công suất vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.

Với những bước đi đầy toan tính và tham vọng, FECON cho biết, Công ty đang chuẩn bị nguồn lực cho một loạt những gói thầu lớn liên quan đến các dự án metro, các khu công nghiệp, cầu cảng, nhằm thực hiện mục tiêu 3.500 tỷ đồng doanh thu trong năm nay.

 

Theo báo Đầu Tư

Tin liên quan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *