Tin sự kiện

Người FECON và câu chuyện truyền cảm hứng trên sóng truyền hình

  • 31.08.2020
  • |
  • 4357 (Lượt xem)

“Tôi cũng từng là một người Việt xa xứ, nên tôi rất hiểu cảm giác giữa nơi xa lạ, nghe một tiếng Việt của mình cất lên”, đó là những lời mở đầu cho câu chuyện của Tiến sĩ Đinh Anh Tuấn (Phó Trưởng ban Kỹ thuật, Công ty CP FECON) – một trong ba diễn giả xuất hiện trong chương trình Cất cánh tháng 8.

Các diễn giả và khách mời tham dự chương trình

Với chủ đề “Nhật ký người Việt”, Cất cánh tháng 8 trực tiếp tối 29/8 trên VTV1 mang đến cho khán giả những trang nhật ký đầy cảm xúc. Mỗi nhân vật là một câu chuyện khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là dù ở nơi đâu vẫn luôn hướng về quê hương Việt Nam, về nghĩa đồng bào.

Qua những trang nhật ký chân thực và giản dị, câu chuyện của anh Đinh Anh Tuấn đã mang lại nhiều cung bậc cảm xúc và thông điệp ý nghĩa, đặc biệt với những người Việt xa xứ, những người đang đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “hạnh phúc thật sự là gì?”.

“Cuốn theo chiều gió”

Năm 2005, sau khi tốt nghiệp Đại học Xây dựng, anh Tuấn sang Pháp, học tiếp tại Đại học AgroParis Nancy. Giống như nhiều người Việt ở nước ngoài, anh Tuấn phải đối diện với các rào cản khi sinh sống, học tập và làm việc tại Pháp.

Chia sẻ với khán giả Cất cánh về 13 năm ở Pháp, anh Tuấn cho biết: “Nhiều lúc tôi nghĩ, mình chả có thời gian để mà buồn, bởi guồng quay công việc cứ cuốn tôi đi như cuốn theo chiều gió. Với những thành công và thất bại, tôi đã phần nào hòa nhập được với cộng đồng người bản xứ, công việc tốt với hợp đồng lao động dài hạn, thu nhập tốt”.

Tuy nhiên có những lúc, anh Tuấn không tránh khỏi cảm giác lạc lõng của một người Việt xa quê. “Cứ tới mùa Noel, người người nhà nhà bên đó kéo nhau đi chợ Noel mua cây thông, tiệc tùng rộn rã... và mình chợt thấy cuộc sống tẻ nhạt khi không được gần gia đình, quê hương và những người thân thiết”, anh Tuấn chia sẻ.

Tiếng gọi con tim

Có hàng triệu người Việt sinh sống ở nước ngoài, không ít trong số họ khẳng định được bản thân ở những ngành nghề khác nhau. Trở về hay không trở về, ngành nghề nào thì cần phải về, ngành nghề nào thì dù ở bất cứ đâu vẫn giúp ích được cho đất nước? Trăn trở đó có lẽ thường trực trong nhiều người Việt ở nước ngoài, đặc biệt là người trẻ như anh Tuấn.

Do vậy, khi từng mục tiêu đã đạt được (bằng cấp, công việc, giấy tờ, nhà cửa xe cộ…), đó là lúc anh bắt đầu đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “hạnh phúc thật sự của cuộc sống là gì”.

Diễn giả Đinh Anh Tuấn và MC Thái Trang

Khoảng thời gian này, nhiều lần anh Tuấn có suy nghĩ trở về Việt Nam. Tuy nhiên, những nỗi lo về sự tái hoà nhập, về sự phù hợp và một khởi đầu mới… kéo dài trong nhiều năm, cho đến hè 2016, anh mời bố mẹ qua Pháp 3 tháng.

“Trước khi bố mẹ sang, bản thân mình không nhận ra được nó tẻ nhạt đến như thế nào. Nhưng chính những tháng ngày được cùng bố mẹ ăn bữa cơm, cùng bố uống ly trà và trò chuyện… khiến tôi hiểu là mình không thể tiếp tục cuộc sống như vậy trong vài chục năm nữa”.

Khi nhận ra rằng, hạnh phúc không chỉ là danh vọng và địa vị mà còn là mưu cầu về tình cảm, tình yêu thương của gia đình, bạn bè, quê hương - những thứ tưởng chừng đơn giản nhưng lại xa vời, anh Tuấn quyết định trở về Việt Nam.

Gió của quê hương

Trước khi trở về, ngoài tiêu chí tìm một môi trường làm việc chuyên nghiệp, anh Tuấn còn mong muốn tìm được công việc có thể góp phần phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam, cũng là đi theo xu hướng phát triển năng lượng chung của thế giới.

Anh Tuấn cho biết: “Tại thời điểm 2016, Pháp đã phát triển được 15 GW điện gió, Đức và Tây Ban Nha khoảng 25-30GW, trong khi ở Việt Nam chỉ là <200MW, tức là tiềm năng điện gió tại Việt Nam còn rất lớn. Điện gió không chỉ cung cấp nguồn năng lượng sạch mà còn rất có lợi thế trong việc phục vụ những vùng núi cao, hải đảo xa, cho những giàn khoan... Việc không cần truyền tải điện từ rất xa đến sẽ giải quyết được câu chuyện chi phí, góp phần đưa năng lượng đến những vùng xa xôi, vừa phục vụ đồng bào chiến sỹ, vừa góp phần dựng nên những cột mốc về an ninh, chủ quyền quốc gia”.

Đó là lý do anh Tuấn đầu quân cho FECON - một đơn vị đã kiên nhẫn chờ anh 4 tháng để thu xếp công việc tại Pháp, cũng là đơn vị mà anh tìm được sự đồng điệu về tư duy và mục tiêu phát triển – mảng điện gió.

“Chúng ta đã từng tự hào về đường dây 500kV Bắc - Nam, tự hào về thủy điện Hòa Bình. Tôi mong muốn một ngày nào đó, chúng ta sẽ được tự hào về những công trình mới”.

Những chia sẻ truyền cảm hứng trên sóng truyền hình

Sau một vài năm cùng các cộng sự nghiên cứu và chuẩn bị, lĩnh vực điện gió của FECON đã đạt được kết quả thành công ban đầu, là nhà thầu thiết kế-thi công cho các dự án lớn lên đến hàng chục turbine điện gió, cả trên bờ và trên biển (gần bờ).

“Khi mình là một thành viên trong tập thể đó, mình cảm thấy tự hào vì được đóng góp cho những thành công chung, đóng góp cho quê hương, đất nước. Những cột gió phát điện sát cánh cùng những ngư dân đang ngày đêm bám biển chắc chắn sẽ là hình ảnh rất đẹp mà chúng tôi đang mơ ước. Để có thể đạt tới những điều này, cần nhiều hơn nữa những bạn trẻ mang theo tri thức, kinh nghiệm từ các nước phát triển, và sẵn sàng đương đầu với những khó khăn khi quay về quê hương lập nghiệp”.

“Từ trải nghiệm bản thân, mình tin rằng dù Việt Nam và nước ngoài khác nhau, nhưng mình sinh ra là người Việt Nam thì chắc chắn mình sẽ hoà nhập được, quan trọng nếu có năng lực và nỗ lực thì ở đâu cũng thành công. Mong rằng không còn nhiều bạn trẻ phải loay hoay với câu hỏi - hạnh phúc đích thực của cuộc sống là gì”, thông điệp anh Tuấn chia sẻ với các bạn trẻ trước khi kết thúc chương trình.

Tú Ninh

Tin liên quan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *