Trong cuộc trò chuyện với Báo Đấu thầu trước thềm Xuân Tân Sửu, ông Lê Quang Hanh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP FECON bày tỏ niềm tin vào năng lực, khả năng đáp ứng của các nhà thầu Việt hiện nay.
Nhà thầu xây dựng Việt Nam đã và đang nâng cao năng lực để bắt kịp, làm chủ các công nghệ tiên tiến
Ông Hanh mong muốn Chính phủ và các cơ quan chức năng trao thêm cơ hội cho các nhà thầu Việt để có thể tham gia đảm nhiệm nhiều phần việc hơn ở các công trình lớn, trọng điểm, từ đó nhanh chóng rút ngắn khoảng cách về năng lực so với các nhà thầu cùng ngành trong khu vực và thế giới.
Nhớ lại những năm giữa thập niên 1990, các nhà thầu xây dựng Việt Nam chỉ mới chập chững với công nghệ thi công cọc khoan nhồi, đào hầm bằng khoan nổ hoặc đào phân mảnh. Đến nay, rất nhiều nhà thầu Việt Nam đã có thể thi công những công trình phức tạp với công nghệ cao hơn như công nghệ cầu đúc hẫng, cầu dây văng, công nghệ đào hầm bằng robot.
Công nghệ đào hầm bằng robot khiên đào Tunnel Boring Machine (TBM) là công nghệ hiện đại nhất trên thế giới hiện nay, phù hợp với điều kiện địa chất yếu và đã được nhiều nước áp dụng. Khác với phương pháp đào hầm hở, việc khoan dưới lòng đất được thực hiện dưới độ sâu 15 - 30m, do vậy trong quá trình thi công tuyến ngầm sẽ không cần di dời, giải tỏa các công trình hạ tầng hoặc tiện ích nông trên mặt đất, không ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Từ năm 2017, FECON đã được Liên danh nhà thầu Shimizu - Maeda lựa chọn để tham gia vận hành trực tiếp thiết bị khoan TBM cho công tác đào hầm metro tại Dự án Đường sắt đô thị số 1 đoạn Bến Thành - Suối Tiên (TP.HCM) trong một hợp đồng hỗ trợ kỹ thuật, dưới sự hướng dẫn và chỉ đạo trực tiếp từ chuyên gia Nhật Bản.
Đến nay, tại Dự án Đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội (Line 3), FECON là đơn vị nhà thầu chuyên môn, đảm nhiệm việc thi công đường hầm đoạn Voi Phục - Trần Hưng Đạo, trong đó, nổi bật là việc tham gia lắp ráp và vận hành trực tiếp robot khiên đào TBM.
Robot đào hầm đầu tiên của TP. Hà Nội do Hãng Herrenknecht (Đức) chế tạo với chiều dài hơn 100m, nặng khoảng 850 tấn với bộ phận khiên đào phía trước đường kính 6,55m. Khoan đến đâu vỏ hầm sẽ được lắp đến đấy. Theo thiết kế, trong điều kiện lý tưởng, mỗi ngày máy sẽ đào được khoảng 10m đường hầm.
Có thể thấy rằng, các nhà thầu xây dựng Việt Nam ngày càng cải thiện về năng lực, dần bắt kịp công nghệ của thế giới. Nhiều nhà thầu có chiến lược tự nâng cao năng lực để dần làm chủ các công nghệ tiên tiến.
Lúc mới tham gia các công trình đòi hỏi công nghệ cao chưa từng được áp dụng tại Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đóng góp nhân sự thực hiện cho khoảng 20% giá trị sản lượng. Ở giai đoạn này, nhiều kỹ sư Việt Nam làm việc một cách lăn xả, làm tất cả mọi việc như các công nhân khác để thật sự hiểu và nắm bắt kỹ thuật, công nghệ thật kỹ càng. Tỷ lệ này rút ngắn ở những công trình sau đó.
Chẳng hạn, trong Gói thầu Đào hầm metro tại Dự án Đường sắt đô thị số 1 đoạn Bến Thành - Suối Tiên năm 2017, tỷ lệ nhân lực nước ngoài là 80% và nhân lực Việt Nam là 20%. Đến nay, tại công trình đào hầm đoạn Voi Phục - Trần Hưng Đạo, tỷ lệ này rút xuống tương ứng là 60% và 40%, kỳ vọng tiến tới tỷ lệ 10% - 90% ở những dự án tiếp theo.
Để làm chủ công nghệ, các doanh nghiệp Việt Nam đã có một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng và tích lũy kinh nghiệm. Với FECON, từ năm 2012, doanh nghiệp đã liên kết đào tạo thạc sỹ địa kỹ thuật và công trình ngầm tại Viện Công nghệ châu Á (AIT) - Thái Lan; cử kỹ sư và công nhân lành nghề tham gia đào tạo vận hành máy khoan hầm TBM tại Học viện Đào tạo khoan hầm (TTA) - Malaysia và đặc biệt là tham gia vận hành robot khiên đào TBM tại Dự án Đường sắt đô thị số 1 TP.HCM. Đồng thời, Công ty cũng tích cực hợp tác với các đối tác Nhật, châu Âu để vừa cùng thực hiện các công trình xây dựng, vừa học hỏi về công nghệ, khả năng quản lý, quản trị.
“Hoàn toàn có thể tự tin là các kỹ sư Việt Nam có khả năng học hỏi, bắt kịp và thực hiện được kỹ thuật phức tạp của công nghệ xây dựng mới, trong đó có công nghệ đào hầm trong đô thị có nền đất yếu. Tuy vậy, các nguồn nhân lực kỹ thuật nói riêng và các nhà thầu Việt Nam nói chung vẫn còn một số hạn chế từ cả chủ quan và khách quan dẫn đến quá trình học hỏi và phát triển chưa đạt như kỳ vọng”, ông Hanh chia sẻ.
Hiện nhiều kỹ sư Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài, có trình độ kỹ thuật, khả năng ngoại ngữ tốt nhưng vẫn có điểm hạn chế là sốt ruột, nóng lòng muốn bắt kịp trình độ, trải nghiệm thực tế của các chuyên gia nước ngoài. Song thực tế, việc học hỏi cần kỹ lưỡng và cặn kẽ từng bước, đó là quá trình học và hành, tương tự như phi công phải đủ giờ bay trước khi có thể đảm nhiệm vị trí cơ trưởng. Nếu quá chủ quan, nóng vội, rút ngắn quá trình trải nghiệm thì có thể dẫn đến một số rủi ro về kỹ thuật và kinh tế.
Ông Hanh cho biết, để đạt trình độ và đẳng cấp như hiện nay, các chuyên gia và nhà thầu nước ngoài cũng đã phải trải nghiệm và trả giá không ít tại các công trình họ đã thi công.
Các nhà thầu xây dựng Việt Nam bị áp lực về kinh tế, hiệu quả kinh doanh nên có xu hướng muốn rút ngắn tiến trình nâng cao năng lực thực hiện và thi công công trình phức tạp. Để khắc phục hạn chế này, bên cạnh nỗ lực của các nhà thầu, cần có sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ qua việc động viên các nhà thầu Việt tham gia nhiều hơn trong các dự án xây dựng lớn. Điều này có thể thực hiện thông qua việc thêm điểm cạnh tranh khi đấu thầu cho các nhà thầu có tỷ lệ doanh nghiệp nội tham gia liên danh hoặc hợp tác thi công.
Bên cạnh đó, Chính phủ nên có cơ chế mở hơn cho nhà thầu trong nước để có thể tham gia các công trình quan trọng, trọng điểm. Chẳng hạn, với những công trình phức tạp, các nhà thầu trong nước có thể thuê chuyên gia nước ngoài hoặc thầu phụ chuyên trách nước ngoài và được lấy năng lực, kinh nghiệm của họ để đấu thầu. Hay nói cách khác, hoàn toàn có thể xây dựng cơ chế đấu thầu xét trên năng lực và cam kết chịu trách nhiệm bằng các tiêu chí rõ ràng, mà vẫn tạo điều kiện cho nhà thầu xây dựng Việt Nam. Điều này cần được thực hiện như một chiến lược tổng thể để phát triển năng lực cho các nhà thầu Việt.
Trở lại với câu chuyện robot đào hầm TBM đang triển khai tại Hà Nội, ngày 31/12/2020, khiên đào - bộ phận cuối cùng của robot đào hầm TBM có tên gọi là “Thần tốc” - đã được hạ xuống tầng đáy ga ngầm S9 - Kim Mã của tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội. Cuối tháng 1/2021, “Thần tốc” được lắp ghép hoàn chỉnh, chạy rốt-đa, sau đó sẽ vận hành chạy thử. Sau khi chạy thử trơn tru, chắc chắn từng bước mới vận hành thực tế. TBM số 2 có tên “Táo bạo” sẽ được hoàn thiện vào tháng 3/2021.
“Điều này cũng tương tự như quá trình hoạt động, nâng cấp và phát triển của các nhà thầu Việt, chúng tôi cũng đang chạy rốt-đa ở nhiều công trình với kỹ thuật công nghệ tân tiến, đòi hỏi đủ thời gian thử nghiệm trước khi vận hành thực tế. Để đủ thời gian và kinh nghiệm trước khi tự thân đảm nhận vai trò chủ chốt ở các dự án, công trình trọng điểm sau này, các nhà thầu Việt mong mỏi được trao cơ hội để vươn lên”, ông Hanh đề xuất.
Theo báo Đấu thầu
Bình luận