ĐẠT MỨC TĂNG TRƯỞNG DOANH THU DƯƠNG TRONG BỐI CẢNH NỀN KINH TẾ GẶP KHÓ KHĂN VÌ COVID 19
Năm 2020 được coi là một năm đặc biệt khó khăn với nền kinh tế thế giới nói chung cũng như kinh tế Việt Nam nói riêng do đại dịch Covid 19 bùng phát.
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam rất vất vả để có thể “giữ mình” trước cơn bão dịch bệnh thì FECON lại là một trong những đơn vị duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định với mức tăng trưởng doanh thu dương.
Kết thúc năm 2020, doanh thu của FECON đạt 3160 tỷ đồng, tăng 2,2% so với năm 2019, hoàn thành 80% kế hoạch được công bố tại Đại hội đồng cổ đông năm 2020. Kết quả này có được là do năm 2020, nhiều gói thầu có giá trị lớn được triển khai và mang về doanh thu, trong đó có thể kể đến một loạt các dự án điện gió như B&T Quảng Bình, Điện gió Thái Hòa, điện gió Trà Vinh 1.3, điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng, điện gió Lạc Hòa - Hòa Đông cùng với các dự án khác như Metro Line 3 Hà Nội, Tổ hợp hóa dầu Long Sơn, Hoa Sen Đại Phước, Mỹ Đình Pearl…
Với những kết quả đó, FECON tiếp tục được xướng tên tại hạng mục “Top 10 nhà thầu xây dựng uy tín 2020” do Vietnam Report bình chọn. Theo đó, đây là năm thứ 3 liên tiếp FECON vinh dự nhận giải thưởng cao quý này.
CHUYỂN MÌNH MẠNH MẼ TRONG VIỆC PHÁT TRIỂN CÁC LĨNH VỰC KINH DOANH CHIẾN LƯỢC MỚI, ĐẶC BIỆT LÀ MẢNG XD CÔNG NGHIỆP
Năm 2020 ghi nhận doanh số ký hợp đồng kỷ lục với tổng giá trị hợp đồng đã ký trên toàn hệ thống khoảng 6000 tỷ đồng. Đặc biệt, một trong những mảng kinh doanh chiến lược mà FECON đang đẩy mạnh phát triển là Xây dựng công nghiệp, đặc biệt là các dự án năng lượng sạch….
Năm 2020 được coi là năm tạo đà của FECON trong mảng này khi trúng thầu hàng loạt gói thầu lớn tại các dự án điện gió như dự án B&T Quảng Bình, dự án Thái Hòa, dự án Trà Vinh V1.3, dự án Lạc Hòa – Hòa Đông, dự án Quốc Vinh Sóc Trăng… Giá trị hợp đồng ký mới ghi nhận cho các dự án điện gió mà FECON tham gia là trên 2000 tỷ đồng. Tại hầu hết các dự án, FECON đều giữ vai trò nhà tổng thầu C-BOP, đảm nhận toàn bộ phần thi công cơ sở hạ tầng cho công trình. Đây là một bước chạy đà vô cùng thuận lợi cho FECON trong việc thực hiện thành công chiến lược giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030, khẳng định năng lực của công ty với vai trò là tổng thầu.
DUY TRÌ VỊ THẾ TOP ĐẦU TRONG LĨNH VỰC CÔNG TRÌNH NGẦM, ĐẶC BIỆT LÀ CÔNG TRÌNH NGẦM ĐÔ THỊ
Năm 2020, với việc trúng thầu hạng mục thi công đào hầm bằng TBM thuộc gói thầu CP03 tại dự án Metro Line 3 đoạn Nhổn – Ga Hà Nội, FECON là đơn vị nhà thầu chuyên môn, đảm nhiệm việc thi công đường hầm đoạn Voi Phục - Trần Hưng Đạo. Trong đó, nổi bật là việc tham gia vận hành trực tiếp robot khiên đào TBM, dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ tổng thầu Huyndai-Ghella. Tháng 5/2020 FECON cũng đã hoàn thành các hạng mục ngầm tại dự án Nhà máy nước thải Yên Xá Hà nội, là một trong các dự án thoát nước ngầm lớn nhất từ trướ đến nay tại thủ đô.
Cùng với Metro Line 3 và Nhà máy nước thải yên Xá, tháng 10/2020, FECON đã được UBND TP Hà Nội lựa chọn tham gia liên danh thực hiện dự án thi công hầm chui Lê Văn Lương – Vành đai 3. Đây là một trong những dự án nằm trong danh mục công trình trọng điểm (2016-2020) của thành phố nhằm mục tiêu giải quyết xung đột tại nút giao giữa đường Vành đai 3 với đường Lê Văn Lương, giảm thiểu ùn tắc giao thông tại đây. Tại cả 3 dự án nêu trên, FECON đều phát huy các sở trường và năng lực hiện có của một nhà thầu nền móng và công trình ngầm hàng đầu tại Việt Nam, đặc biệt trong mảng ngầm đô thị thông qua việc áp dụng những công nghệ và kỹ thuật xây dựng hiện đại nhất hiện nay nhằm rút ngắn thời gian thi công, giảm thiểu tác động đến môi trường và địa chất xung quanh, mang lại hiệu quả cao nhất cho dự án…
Việc tham gia vào các dự án này không chỉ là cơ hội để FECON đóng góp một phần vào các công trình trọng điểm của Thủ đô, mà còn là cơ hội để nhà thầu Việt nâng cao năng lực tại những công trình khó, từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa đối với các sản phẩm xây dựng áp dụng công nghệ mới tại Việt Nam
PHÁT TRIỂN CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ CHẤT LƯỢNG CAO THEO CHUẨN QUỐC TẾ
Ban lãnh đạo Công ty đã xác định rõ các ưu tiên trong lĩnh vực đầu tư dự án, đó là: Năng lượng sạch, Hạ tầng đô thị, Khu công nghiệp. Điểm nhấn của FECON trong năm 2020 đó là trở thành chủ đầu tư dự án điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng với công suất giai đoạn 1 là 30MW, gia đoạn 2 là 99MW.
Bên cạnh các dự án tại Bình Thuận, Gia Lai, Bình Phước trong lĩnh vực năng lượng sạch, FECON vẫn tiếp tục theo đuổi và phát triển các dự án bất động sản công nghiệp tại Thái Nguyên, Bắc Giang và các dự án bất động sản đô thị tại Hưng Yên, Bắc Ninh, Đồng Tháp.
Những nỗ lực phát triển dự án điện gió ngoài khơi trong năm 2020 đã mang tới thành quả bước đầu là vào tháng 1/2021, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa đồng ý chủ trương cho phép FECON thực hiện nghiên cứu lập hồ sơ đối với dự án nhà máy điện gió trên biển với tổng công suất dự kiến 500MW, diện tích nghiên cứu khảo sát dự án khoảng 120km2 vùng biển ngoài khơi tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN TRỊ TẬP TRUNG, QUYẾT TÂM GIẢM THIỂU LÃNG PHÍ, NÂNG CAO NĂNG SUẤT, CHẤT LƯỢNG
Năm 2020, FECON bổ nhiệm thêm 3 vị trí Phó tổng giám đốc mới, phụ trách mảng hạ tầng và xây dựng công nghiệp. Cùng với đó, các nhân sự cấp cao của các đơn vị thành viên như FCU, FCI&U, FDB, GE cũng được bổ nhiệm, giúp tăng cường chất lượng cho bộ máy quản trị trên phạm vi toàn tập đoàn.
Bên cạnh việc bổ nhiệm các vị trí quan trọng, công tác trao đổi, bồi dưỡng và đào tạo nhân sự cũng được triển khai mạnh mẽ trong năm 2020, với những chương trình nổi bật như: Manager Summit, PMP, các khóa học dành cho cấp quản lý, các buổi đào tạo cho đội ngũ kỹ sư do chính lãnh đạo FECON đứng lớp. Công tác M&A nhân sự cũng ghi nhận những kết quả đáng kể khi “chiêu mộ” được nhiều nhân sự cấp quản lý có kinh nghiệm làm việc ở những tổng thầu, doanh nghiệp lớn trong ngành.
Ngày 18/6/2020, dự án NQC (Non-Quality Cost) đã chính thức được khởi động trên phạm vi toàn tập đoàn với mục tiêu hàng đầu là giảm thiểu lãng phí, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả toàn bộ các hoạt động sản xuất kinh doanh. Công ty mẹ và 09 đơn vị thành viên đã đồng loạt triển khai NQC ở một hoặc các nhóm phạm vi bao gồm: chi phí chung, chi phí nhân sự, chi phí dự án và các chi phí khác. Kết quả bước đầu tỉ lệ tiết kiệm chi phí so với ngân sách được giao đầu năm của các ban FCN đều đạt từ 10%-15%.
ỨNG DỤNG NỀN TẢNG CÔNG NGHỆ SỐ - “THÁO NÚT THẮT” ĐỂ GIẢI QUYẾT CÁC BÀI TOÁN SỐ HÓA CỦA TẬP ĐOÀN
Đưa vào sử dụng thời điểm Covid-19 bùng phát mạnh tại Việt Nam, phần mềm trình ký điện tử RFA cùng với công cụ Office 365 Teams đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp cho quá trình xử lý công việc ở FECON được xuyên suốt qua 2 đợt giãn cách xã hội. RFA đã trở thành công cụ đắc lực cho các cấp lãnh đạo quản lý có thể nắm bắt thông tin nhanh chóng, kịp thời và xử lý công việc mọi lúc mọi nơi; tiết kiệm thời gian… từ đó hình thành thói quen làm việc mới cho người FECON trong thời đại 4.0.
Trong 9 tháng đưa vào sử dụng, trung bình có 48 hồ sơ trình ký và 190 công việc thẩm định, phê duyệt được thực hiện bằng RFA mỗi tháng. Bên cạnh đó, trong năm 2020, FECON đã triển khai và đưa vào sử dụng phần mềm quản trị nhân sự HRM tại Công ty mẹ và các đơn vị thành viên cùng với đó là cổng thông tin nội bộ Intranet Portal.
FECON vẫn tiếp tục duy trì sử dụng các phần mềm đang có: hệ thống SAP ERP, bộ Office 365, Eoffice, Dataroom, Ebidding và các ứng dụng nội bộ IT phát triển trên nền tảng Sharepoint. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trên mọi công đoạn của công việc được coi là việc sống còn của tất cả các doanh nghiệp hiện nay, tạo nên sự cạnh tranh cho doanh nghiệp. Với FECON, Công nghệ thông tin chính là “công cụ hỗ trợ” quan trọng góp phần tìm ra lời giải cho các bài toán quản lý tập trung của tập đoàn ở hiện tại và tương lai.
CLIP DẤU ẤN FECON 2020: TẠI ĐÂY
Bình luận