Tin tức

FCM - Những người âm thầm làm việc trong lòng đất

  • 05.09.2016
  • |
  • 2186 (Lượt xem)
2d
Thi công trong khu vực trung tâm với nhiều nhà cao tầng nên đoạn từ ga Nhà hát TP đến ga Bến Thành phải thi công theo phương pháp top-down.

Tuyến metro số 1 đoạn từ Ga Nhà hát thành phố đến ga Bến Thành được thi công ngầm. Nhiều người tò mò không biết việc thi công ngầm ở độ sâu hàng chục mét dưới lòng đất được thực hiện như thế nào.

Đào địa đạo ở giữa lòng thành phố

Giữa trưa Sài Gòn nắng như đổ lửa, chúng tôi đến khu vực thi công trước Nhà hát thành phố. Toàn bộ đoạn đường Lê Lợi từ Đồng Khởi đến Nguyễn Huệ được rào chắn kín mít. Anh Nguyễn Chí Dũng, kỹ sư công trường của Công ty Shimizu-maeda tiếp và hướng dẫn chúng tôi vào công trường.

Kỹ sư trẻ Nguyễn Chí Dũng cho biết, đoạn từ ga Nhà hát thành phố đến Ga Bến Thành xuyên giữa trung tâm, hai bên có nhiều nhà cao tầng nên không thể áp dụng phương pháp thi công hở mà phải sử dụng công nghệ top-down. Thay vì thi công từ dưới lên trên, công nghệ top-down thi công từ trên xuống.

Đầu tiên, nhà thầu phải thi công tường vây dọc hai bên đường Lê Lợi với độ sâu hơn 40m, để ổn định địa chất, không gây ảnh hưởng cho các nhà cao tầng xung quanh. Sau khi giải tỏa công viên trước Nhà hát thành phố, toàn bộ mặt đường ở đây được đổ bê tông dày 1m, cùng với tường vây tạo thành một khung cống hộp. Lớp bê tông này về sau sẽ được phá đi để hoàn trả lại mặt đường với công viên cây xanh như trước.

Trong quá trình đổ bê tông mặt trên cùng, đơn vị thi công chừa lại các lỗ có diện tích hơn 5m2 để phục vụ thi công phần ngầm bên dưới. Từ các lỗ này, đơn vị thi công sử dụng máy móc để đào khoét đất từ dưới đưa lên trên. Khi đạt đến độ sâu nhất định sẽ đóng cốt pha đổ bê tông phần mái. Xong phần mái sẽ tiếp tục khoét đất, gom đến khu vực có lỗ chừa sẳn. Từ trên những chiếc cần cẩu sử dụng gàu ngoặm để đưa đất lên cho các xe chở đi nơi khác. Tiếp tục đóng cốt pha, thi công sảnh chờ B1, lại đào khoét, đóng cốt pha thi công sảnh B2, B3, B4.

Những người phụ nữ trên công trường hiện đại

4
Chị Chằng Thị Đẹp (phải) cùng các chị em đang góp công sức vào công trình hiện đại là tuyến metro đầu tiên của TP HCM. Ảnh: Phan Tư

Đến thời điểm này, nhà thầu đang thi công tầng B2, sảnh chờ của ga Nhà hát thành phố. Xuống ở dưới lòng đất, kỹ sư Dũng cho biết ở trên đầu là phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Điều thú vị là ở độ sâu gần 20m dưới lòng đất, ở một công trình hiện đại chúng tôi gặp rất nhiều phụ nữ. Anh Bùi Minh Quân, cán bộ Ban Quản lý dự án tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên, cho biết, họ được nhận vào để làm những công việc như buộc dây cho các kết cấu thép, lắp ván khuôn…

Anh Danh Hùng Thái và chị Danh Thị Cẩm Lĩnh là người dân tộc Khmer, quê ở Kiên Giang vừa mới cưới nhau được ba tháng. Anh Thái đã làm ở công trình này hai năm, khi cưới xong, vợ chưa có việc làm nên xin vào làm cùng để tiện đường đưa đón. Ở một góc khác, chị Chằng Thị Nhóc, Chằng Thị Đẹp đang loay hoay buộc dây vào các kết cấu thép để đổ trụ bê tông. Đôi bàn tay sần sùi, thô ráp nhưng thao tác thoăn thoắt buộc dây thép một cách uyển chuyển.

Ông Dương Hữu Hòa, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án 1 (Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM) cho biết, dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương) với chiều dài gần 20km, trong đó, khoảng 2,6km đi ngầm và hơn 17km trên cao. Trong 2,6km đi ngầm có ba nhà ga là Bến Thành, Nhà hát thành phố và Ba Son. Trong đó, ga Ba Son được thi công theo phương án đào hở, còn ga Nhà hát thành phố và Bến Thành được thi công theo phương pháp top-down.

Đoạn ngầm từ ga Ba Son đến ga Nhà hát thành phố chiều dài 780m phương pháp thi công phức tạp hơn nên dùng robot để đào. Hiện, robot đã được lắp ráp tại Nhật Bản, đầu năm 2017 sẽ đưa về phục vụ thi công dự án.

Tin liên quan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *