Trong việc áp dụng các giải pháp công nghệ phòng, chống, xử lý sạt - trượt đang phổ biến ở Việt Nam - vốn không còn mới, điều cốt lõi là phải hiểu sâu sắc môi trường đất - đá để chọn giải pháp phù hợp và kinh tế nhất. Đây chính là lý do khiến cùng một giải pháp nhưng hiệu quả có thể rất khác nhau. Bà Trần Thị Ái Vân - Giám đốc Viện Nền móng và Công trình ngầm FECON, Công ty cổ phần FECON - nêu quan điểm khi trao đổi với Khoa học và Phát triển.
Nhiều năm qua, các vụ sạt - trượt đất đã gây nhiều thiệt hại về người và của ở Việt Nam. Xin bà cho biết, hiện đã có các giải pháp công nghệ để giảm thiểu tác hại của hiện tượng này? Các quốc gia nằm trong khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới như Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Italy, Việt Nam... đều có những khu vực có lượng mưa hằng năm khá cao và rất nhiều vụ sạt lở đất, lũ quét xảy ra ở miền núi vào mùa mưa. Thế giới đã có rất nhiều giải pháp, việc áp dụng phụ thuộc vào loại hình mái dốc, ví dụ như mái dốc tự nhiên, mái dốc đắp, mái dốc sau khi đào... Điểm chung của các giải pháp công nghệ này là tập trung hạn chế mưa (tuyết) ngấm vào sườn, mái dốc, như tạo lớp phủ bề mặt bằng thực vật hay vật liệu gia cố nào đó, vữa bêtông chẳng hạn. Ngoài ra, có thể gia cố bản thân mái dốc đó như neo đất, tường chắn nhằm tăng khả năng chống sạt - trượt... Khó có thể kể hết các giải pháp vì ngay mỗi giải pháp cũng có nhiều cách áp dụng đối với các điều kiện địa chất, tính chất quan trọng của khu vực xử lý...
Nhiều ý kiến cho rằng, việc ngăn chặn, giảm thiểu tác hại của sạt - trượt cần một giải pháp tổng thể. Xin bà chia sẻ quan điểm về vấn đề này? Giải pháp tổng thể là dành cho một vùng hay khu vực chứ không riêng một điểm nào, gồm rất nhiều vấn đề, cả việc phòng, chống, ngăn chặn và cảnh báo sớm nhằm giảm tối đa mức độ thiệt hại. Với mỗi mục đích sẽ có các giải pháp khác nhau. Giải pháp tổng thể phải tác động đến tất cả các yếu tố. Ví dụ, nếu bạn muốn phòng, chống thì phải tác động đến bản thân đối tượng có thể gây thảm họa, đến môi trường đất, xử lý nước mặt, nước ngầm, gia cố các sườn dốc, công trình tường chắn...
Bà Trần Thị Ái Vân tại một đoạn đường trên quốc lộ 6 - nơi đã áp dụng giải pháp kỹ thuật dùng lưới thép cường độ cao siêu mạnh chống đá rơi, đá lở. Ảnh: Ngọc Vũ
Còn muốn ngăn chặn, giảm thiểu thì có thể bố trí công trình phòng hộ để ngăn lũ quét, đá lăn; tức là bạn chấp nhận có những điểm xảy ra sạt -trượt và giải pháp này nhằm hạn chế tối đa thiệt hại. Còn khi chi phí xử lý quá lớn, ít khả thi tại một thời điểm nào đó, việc lắp đặt các hệ thống cảnh báo là cần thiết để tránh thiệt hại về người. Ngoài ra còn phải có các chương trình phổ biến kiến thức cho người dân trong vùng có khả năng bị ảnh hưởng... Trên đây chỉ là tóm tắt một số vấn đề cơ bản về một giải pháp tổng thể. Hiện chúng tôi đang hướng tới các giải pháp bền vững, nhằm hạn chế tối đa tác động đến môi trường hiện hữu.
Ở Việt Nam, FECON hiện có thể cung ứng những giải pháp gì, thưa bà? Ở Việt Nam hiện vẫn phổ biến một số biện pháp điển hình như: Sử dụng kết cấu tường chắn, quy hoạch hệ thống thoát nước mặt nhằm giảm lượng nước mưa ngấm vào sườn dốc (cắt nước, phân bổ lại hệ thống thoát nước), sử dụng neo và đinh đất, phủ trồng cỏ và phun bêtông bề mặt, dùng hệ lưới bọc, lưới ngăn chống đất đá rơi... Các giải pháp này không mới hay phức tạp về thi công, và FECON - với 16 công ty thành viên, hầu hết chuyên về thi công - hoàn toàn có thể đảm nhận để xử lý cục bộ trong tổng thể dự án. Bản thân các giải pháp trên về cơ bản không khác nhau về chức năng làm việc. Điều cốt lõi là chúng ta phải hiểu được môi trường đất - đá, từ đó lựa chọn giải pháp phù hợp và kinh tế nhất. Cùng một giải pháp nhưng hiệu quả có thể rất khác nhau phụ thuộc vào sự hiểu biết sâu sắc về địa kỹ thuật. Đây chính là điều mà FECON rất tự tin. Chúng tôi luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ cung cấp giải pháp tổng thể cho loại hình thảm họa này.
Bà có kiến nghị gì để việc ngăn chặn, hạn chế thiệt hại do sạt - trượt đất có hiệu quả cao nhất? Việc phòng, chống sạt lở đất liên quan đến địa kỹ thuật, tức là chúng ta phải hiểu rõ cách “ứng xử” của đất - đá trước các tác động bất lợi từ bên ngoài. Việc ngăn chặn và giảm thiểu cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên đưa ra giải pháp và nhà quản lý. Chúng tôi luôn đầu tư một cách đúng đắn nhất về yếu tố cốt lõi, đó là con người - các chuyên gia địa chất và địa kỹ thuật. Ngoài ra, chúng tôi có thể tham vấn chuyên gia về các lĩnh vực khác như khí tượng thủy văn để cam kết cung cấp được giải pháp bền vững thực sự. Muốn được như vậy, chúng tôi kiến nghị các nhà quản lý, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và địa phương dành sự quan tâm thích đáng về vấn đề này, dành nguồn vốn để thực hiện ở các điểm có nguy cơ cao mà nhiều tỉnh đã có bản đồ phân vùng, sớm tiến hành làm thí điểm. Đồng thời, mong các bộ chuyên ngành sớm rà soát, tổng kết và ban hành tiêu chuẩn cho một số giải pháp điển hình đã có để thuận lợi hơn về tính pháp lý khi áp dụng. Đối với các giải pháp thực sự mới, cần có lộ trình cụ thể để tạo điều kiện áp dụng thí điểm trước khi đưa vào áp dụng chính thức.
Xin trân trọng cảm ơn bà! (Theo Khoa học & Phát triển)
Bình luận