Tin tức

FECON TRỰC TIẾP VẬN HÀNH ROBOT TBM THI CÔNG HẦM TẠI GA S9, DỰ ÁN METRO LINE 3 - HÀ NỘI

  • 30.07.2024
  • |
  • 2742 (Lượt xem)

Sáng 30/7, tại ga S9 - Kim Mã, FECON đã chính thức vận hành máy đào TBM (Tunnel Boring Machine) bắt đầu những mét khoan đầu tiên cho đoạn đi ngầm của dự án Metro Line 3 Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội.

Theo kế hoạch, máy đào TBM 1 (được đặt tên Thần tốc) khoan từ ga S9 - Kim Mã tại độ sâu 17,8 m. Khi TBM1 khoan khoảng 200m thì máy TBM2 (tên Táo bạo) sẽ bắt đầu khoan. Sau khi hoàn thành 240m đầu tiên, các máy khoan hầm sẽ tăng tốc đến tốc độ tiêu chuẩn khoảng 10m/ngày để tiếp cận các ga tiếp theo. 

Robot dài hơn 100m, nặng khoảng 850 tấn bắt đầu đào ngầm 4km đoạn từ khách sạn Daewoo đến trước ga Hà Nội với thời gian dự kiến 16 tháng.

Dự kiến việc đào ngầm 4 km kéo dài 16 tháng, tổng số nhân sự hơn 150 người, trong đó có những công tác chính như vận hành máy TBM, cánh tay robot lắp vỏ hầm, thay đầu cắt... Khi hoàn thành, các máy TBM sẽ được tháo dỡ tại ga S12 - Trần Hưng Đạo (đối diện ga Hà Nội), hệ thống thiết bị phụ trợ sẽ được kéo về và tháo dỡ tại ga S9 - Kim Mã.

Ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần FECON (đơn vị vận hành 2 máy đào TBM), cho hay thi công hầm bằng máy TBM là công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới. Bộ đôi máy TBM được thiết kế riêng cho dự án tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội. Máy được sản xuất bởi hãng Herrenkecht (Đức), dài hơn 100 m, nặng khoảng 850 tấn.

Ông Nguyễn Quốc Bảo - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần FECON đại diện phát biểu tại lễ khởi công.

Theo ông Bảo, địa chất Hà Nội có nhiều loại đất hỗn hợp và tuyến hầm chủ yếu đi trong lớp đất sét pha, phức tạp hơn so với đất sét bùn như dự án metro Bến Thành - Suối Tiên tại TP HCM. Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội thi công đoạn đi ngầm dài hơn nhiều so với metro Bến Thành - Suối Tiên, do đó việc sử dụng dòng máy cân bằng áp lực (EPB) như bộ đôi TBM là phù hợp.

Song song với quá trình thi công tuyến hầm bằng TBM, các hạng mục khác của đoạn tuyến ngầm (dốc hạ ngầm, các ga ngầm, gara và đường chuyển làn) được tiếp tục triển khai theo đúng kế hoạch.

Sau khi đào xong, FECON sẽ thực hiện lắp vỏ hầm ngay phía sau đuôi máy với cánh tay robot hiện đại, thời gian lắp vỏ hầm sẽ khoảng 30 đến 35 phút cho một đốt hầm gồm 6 miếng. Chu trình đào và lắp vỏ hầm diễn ra liên tục không ngừng đòi hỏi đội ngũ vận hành có tố chất và năng lực chuyên môn cao luôn bám sát dự án. 

Bên cạnh kinh nghiệm đã tích luỹ và học hỏi từ dự án Metro Line 1 TP. Hồ Chí Minh, FECON có sự hỗ trợ của thi công, kỹ thuật từ phía đội chuyên gia của Tunnel Pro, một đơn vị hàng đầu thi công TBM từ Ý và đội ngũ chuyên gia từ Hiệp hội công trình ngầm Quốc tế. Tất cả đội ngũ chuyên gia này đều theo dõi dự án rất sát sao, giúp dự án triển khai thuận lợi hơn.

Đến với dự án Metro Line 3 - Hà Nội , FECON đã phát huy các sở trường và năng lực hiện có của một nhà thầu nền móng và công trình ngầm hàng đầu tại Việt Nam, đặc biệt trong mảng ngầm đô thị thông qua việc áp dụng những công nghệ xây dựng hiện đại nhất hiện nay nhằm rút ngắn thời gian thi công, giảm thiểu tác động đến môi trường và địa chất xung quanh, mang lại hiệu quả cao nhất. 

Việc trực tiếp vận hành thành công robot đào hầm TBM là mảnh ghép quan trọng góp phần khẳng định năng lực của FECON trong các dự án hạ tầng giao thông nói riêng và công trình quy mô lớn, đòi hỏi trình độ cao nói chung. Đồng thời, đây là cơ hội để FECON cọ xát, chứng minh khả năng tại những công trình tầm cỡ, đóng góp vào việc hiện thực hóa ước mơ về một tuyến đường sắt cao tốc hiện đại tháo gỡ các vấn đề giao thông tại thủ đô. 

Hiện nay, FECON đã và đang đảm nhiệm nhiều hạng mục tại 4 ga ngầm thuộc Dự án Metro số 3 bao gồm: 

-  Thiết kế và thi công tường chắn bằng biện pháp cọc liền kề đường kính D800 tại khu vực dốc hạ ngầm (Ramp).

-  Thi công tường vây D1200 làm tường nhà Ga cho các ga ngầm S9, S10 và S11, bao gồm các tấm tường vây bố trí thép sợi thủy tinh (GRP) ở khu vực ra vào ga của máy đào hầm TBM. Tường vây D500 cho khu vực lối lên xuống và thông gió của nhà ga. Tường vây D1000 cho giếng thoát hiểm và D600 cho lối lên xuống giếng thoát hiểm.

-  Thi công xử lý nền bằng công nghệ khoan phụt vữa áp lực cao đường kính lớn tại: khu vực ra vào ga của máy đào hầm TBM, bịt đáy chống đẩy nổi tại Ga S12 và khu vực kết nối giữa hầm và giếng thoát hiểm.

-  Và cuối cùng là công tác thi công khoan hầm bao gồm các hạng mục công việc: vận hành máy khoan hầm TBM, đào và lắp vỏ hầm; cung cấp các thiết bị và vật tư phục vụ cho công tác khoan hầm; cung cấp nhân sự và chuyên gia thực hiện công tác khoan hầm.

Tin liên quan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *