Tin tức

FECON đảm nhiệm vai trò nhà thầu tham gia lắp ráp và vận hành robot khoan hầm tại Dự án Metro Line 3 Hà Nội

  • 10.12.2020
  • |
  • 5825 (Lượt xem)

Với việc trúng thầu gói thầu CP03 tại dự án Metro Line 3 đoạn Nhổn – Ga Hà Nội, FECON là đơn vị nhà thầu chuyên môn, đảm nhiệm việc thi công đường hầm đoạn Voi Phục - Trần Hưng Đạo, trong đó, nổi bật là việc tham gia lắp ráp và vận hành trực tiếp robot khiên đào TBM (Tunnel Boring Machine) – công nghệ khoan hầm hiện đại tốt nhất hiện nay trên thế giới.

Qúy III/2020, FECON tiếp tục trúng gói thầu CP03 đảm nhiệm việc thi công đường hầm đoạn Voi Phục - Trần Hưng Đạo, trị giá gần 700 tỷ đồng. Với gói thầu này, FECON sẽ tham gia trực tiếp công tác lắp ráp và vận hành khoan hầm bằng robot khiên đào TBM, dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ tổng thầu Huyndai-Ghella.

Hiện tại, phần đuôi TBM số 1 đã được lắp ráp khoảng 70%. Các bộ phận khác như đầu cắt, khiên đào, tay trộn, buồng điều áp, xi lanh đẩy, hệ thống vận chuyển đất thải... sẽ lần lượt được chuyển về ga S9 và lắp ghép hoàn chỉnh. Ngoài các thiết bị siêu trường, siêu trọng hỗ trợ vận chuyển trên mặt đất, nhà thầu đã bố trí những ray trượt để di chuyển TBM dễ dàng ở khu vực đáy hầm - khu vực lắp đặt robot. Quá trình này được tính toán các phương án cụ thể và tỉ mỉ nhằm đảm bảo độ chính xác và an toàn lao động cao nhất.

Công tác tháo dỡ phần đuôi robot khiên đào (TBM) xuống mặt đất

Robot đào hầm đầu tiên của thành phố Hà Nội do hãng Herrenknecht (Đức) chế tạo với chiều dài hơn 100m, nặng khoảng 850 tấn với bộ phận khiên đào phía trước đường kính 6,55m. Khoan đến đâu vỏ hầm sẽ được lắp đến đấy. Theo thiết kế, trong điều kiện lý tưởng, mỗi ngày máy sẽ đào được khoảng 10m đường hầm. Dự kiến, cuối tháng 1/2021, TBM số 1 sẽ được lắp ghép hoàn chỉnh, TBM số 2 sẽ được hoàn thiện vào tháng 3/2021.

Theo ông Lê Quang Hanh, Phó Tổng Giám đốc FECON, công nghệ đào hầm bằng robot khiên đào TBM là công nghệ hiện đại tốt nhất trên thế giới hiện nay, phù hợp với điều kiện địa chất yếu và đã được nhiều nước áp dụng. Nguyên lý hoạt động của máy TBM là tạo ra áp lực cân bằng với áp lực đất nhằm hạn chế sự thay đổi trạng thái ứng suất có thể gây ra mất ổn định dẫn tới việc trồi, sụt tại vị trí đào. Đồng thời, khác với phương pháp đào hầm hở, việc khoan dưới lòng đất được thực hiện dưới độ sâu 15 - 30m, do vậy trong quá trình thi công tuyến ngầm sẽ không cần di dời, giải tỏa các công trình trên mặt đất, không ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Công tác lắp ráp robot khiên đào (TBM) tại tầng đáy ga S9 Kim Mã

Để làm chủ công nghệ này, ông Hanh cho biết FECON đã có một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng và tích lũy kinh nghiệm. Cụ thể từ 2012, doanh nghiệp đã liên kết đào tạo thạc sỹ địa kỹ thuật và công trình ngầm tại Viện công nghệ Châu Á (AIT) – Thái Lan; cử kỹ sư và công nhân lành nghề tham gia đào tạo vận hành máy khoan hầm TBM tại Học viện đào tạo Khoan hầm (TTA) - Malaysia và đặc biệt là việc tham gia vận hành robot khiên đào TBM tại dự án Metro Line 1 TP.Hồ Chí Minh. FECON đã có những bước chuẩn bị từ khá sớm nhằm mục tiêu đào tạo đội ngũ chuyên sâu về ngành công trình ngầm đô thị, đáp ứng xu hướng phát triển hạ tầng tại Việt Nam.

Trước khi trúng thầu gói CP03, từ năm 2017, FECON đã tham gia các gói thầu quan trọng khác tại dự án Metro Line 3 Hà Nội. Cụ thể, FECON là nhà thầu đảm nhận nhiều hạng mục thi công đòi hỏi yêu cầu cao về kỹ thuật như xử lý nền đất yếu, thi công cọc, làm tường vây… tại các ga ngầm của dự án, với giá trị hợp đồng hơn 400 tỷ.

Tại các gói thầu này, FECON đều phát huy các sở trường và năng lực hiện có của một nhà thầu nền móng và công trình ngầm hàng đầu tại Việt Nam, đặc biệt trong mảng ngầm đô thị thông qua việc áp dụng những phương án, công nghệ xây dựng hiện đại nhất hiện nay nhằm rút ngắn thời gian thi công, giảm thiểu tác động đến môi trường và địa chất xung quanh, mang lại hiệu quả cao nhất…

“Việc trúng các gói thầu khác nhau tại Dự án Metro Hà Nội số 3 không chỉ là cơ hội để FECON góp phần hoàn thiện một công trình giao thông quy mô lớn của Thủ đô, mà còn là cơ hội để nhà thầu Việt nâng cao năng lực thi công tại những công trình khó như metro và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa đối với các sản phẩm xây dựng áp dụng công nghệ mới và khó tại Việt Nam”, đại diện lãnh đạo FECON nhấn mạnh.

Hiện nay, FECON đang triển khai song song các gói thầu tại 4 ga ngầm thuộc Dự án Metro số 3.

Tại ga S9 (Kim Mã), ngoài gói thầu lắp ráp TBM, FECON đang thi công tường vây rộng 800mm, sâu 29m làm tường chắn cho dốc hạ ngầm. Dự kiến, ngày 15/12 sẽ hoàn thiện gói thầu này, mặt bằng sau khi thi công xong sẽ phục vụ lắp đặt cẩu long môn và đầu máy TBM số 2.

Tại ga S10 (Cát Linh), FECON đã hoàn thiện công tác xử lý nền bằng phương pháp Jetgrouting (khoan phụt vữa áp lực cao) thuộc Track 2 (cạnh khách sạn Pullman) từ tháng 6/2020 và đang chờ mặt bằng để xử lý nền Track 1 (giáp khu dân cư đường Cát Linh).

Với ga S11 (Văn Miếu), FECON đang làm biện pháp để chuẩn bị để triển khai công tác xử lý nền vào giữa tháng 12.

Tại ga S12 (Ga Hà Nội), FECON đang triển khai công tác thi công cọc và cắm cừ larsen IV. Cụ thể, FECON đã thi công được 500/710 cọc thuộc Phase 2, đảm bảo kế sẽ kết thúc thi công phase 2 trong tháng 12. Tại đây, FECON đã thử nghiệm thành công công nghệ khoan phụt vữa áp lực cao mới nhất của Nhật Bản - phương pháp phụt vữa xiên nhằm tạo ra một khu vực địa chất đồng nhất trước khi TBM khoan đến. Phương pháp này được phát triển để giải quyết những khó khăn gặp phải trong quá trình thi công ở khu vực đô thị, giảm thiểu các tác động bất lợi đối với các công trình lân cận.

Tin liên quan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *