Tin sự kiện

Chủ tịch FECON: Chính phủ đang tạo ra luồng năng lượng tích cực cho môi trường kinh doanh

  • 19.04.2017
  • |
  • 4594 (Lượt xem)
  AK  

Trong khuôn khổ của Hội nghị gặp gỡ Thủ tướng với doanh nghiệp 2017 sẽ được diễn ra vào tháng 5 tới, tạp chí Vietnam Business Forum đã có cuộc trò chuyện với ông Phạm Việt Khoa - Chủ tịch HĐQT Công ty FECON. FECON là một trong hai doanh nghiệp xây dựng được vinh danh trong top 50 công ty niêm yết tốt nhất trên sàn chứng khoán do Forbes Việt Nam bầu chọn. Doanh nghiệp này đang hướng đến mục tiêu trở thành đơn vị hàng đầu về hạ tầng vào năm 2020.

             

1. Nhìn từ góc độ của người đứng đầu một doanh nghiệp, ông có đánh giá như thế nào về những việc mà chính phủ đã làm trong năm qua để thực hiện lời hứa hỗ trợ doanh nghiệp, chuyển từ chính quyền quản lý sang phục vụ?

Những chính sách của Chính phủ mới, theo tôi đã có những tác động tích cực đến tinh thần của các doanh nghiệp (DN), tạo ra một không khí mới đầy năng lượng tích cực. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn chưa đạt chiều sâu như kỳ vọng của cộng đồng DN. Các cơ quan ban, ngành từ trung ương đến địa phương vẫn chưa thực sự thay đổi trong thái độ phục vụ & các hành động cụ thể, dù đã có nhiều cố gắng. Chính vì vậy, các doanh nghiệp vẫn rất vất vả.

Một trong những điểm được chờ đợi trong năm 2016 là luật Doanh nghiệp vừa và nhỏ - Công cụ thiết thực nhất để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ và đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được ban hành. Chính vì vậy, thực chất cho đến nay các DN vừa và nhỏ chưa nhận được sự hỗ trợ cụ thể nào từ chính sách.

2. Sự cộng hưởng từ các chính sách điều hành của Chính phủ nhiệm kỳ mới có những tác động như thế nào đối với các hoạt động của FECON ?

Về mặt tinh thần, tôi cho là rất tốt! Chính phủ mới đã thể hiện quyết tâm hành động, kiến tạo, đưa đất nước phát triển theo hướng bền vững, Thủ tướng thường xuyên yêu cầu tất cả các bộ, ngành & hệ thống chính quyền phải tiếp cận với thông lệ quản trị hiện đại, áp dụng công nghệ cấp tiến để nâng cao năng suất, chất lượng của nền kinh tế, phục vụ doanh nghiệp và người dân ngày một tốt hơn. Những điều này sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng trong đó có FECON. Ngay từ ngày đầu thành lập cho đến nay, chúng tôi luôn hướng tới việc phát triển doanh nghiệp bền vững, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và con người. Với tầm nhìn mới, quyết tâm mới của Chính phủ chúng tôi như được củng cố thêm niềm tin vào con đường DN đã lựa chọn.

Với quyết tâm chuyển từ chính phủ/ chính quyền quản lý sang chính phủ/ chính quyền phục vụ, các thủ tục hành chính đã dần được giảm bớt, giúp các doanh nghiệp & nhà đầu tư trong đó có FECON triển khai các nhiệm vụ xin cấp phép đầu tư dự án hoặc thành lập mới doanh nghiệp thuận lợi & tiết kiệm chi phí hơn trước đây, tuy nhiên vẫn cần được cải thiện nhiều hơn nữa, đặc biệt ở các Thành phố lớn.

3. Năm 2016, đã đánh dấu những bước tiến đáng ghi nhận của FECON, trong đó có việc đạt được những kết quả khả quan tại thị trường Myanmar, Xin ông chia sẻ ngắn gọn về điểm nhấn này của FECON và chia sẻ thêm về mục tiêu cũng như tầm nhìn của FECON trong việc vươn ra thị trường nước ngoài?

Với tầm nhìn đến năm 2020 trở thành nhóm doanh nghiệp hàng đầu về hạ tầng tại Việt Nam, FECON đang hướng tới việc mở rộng thi trường sang các nước đang phát triển trong khu vực như Myanmar, Indonesia, Campuchia hay Bangladesh để phát huy sở trường và tận dụng được những kinh nghiệm và mạng lưới đối tác có được sau hơn 13 năm phát triển.

Việc bước chân vào thị trường Myanmar là một trong những kết quả đạt được sau nhiều năm bắt tay với các đối tác Nhật Bản, với mục tiêu đón đầu các dự án ODA của Nhật rót vào thị trường này trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng. Thành công ban đầu của công ty FECON Rainbow tại dự án Mở rộng cảng Thilawa (Yangoon) năm 2016, đã tạo một tiền đề rất tốt để chúng tôi tiếp tục tấn công vào thị trường Myanmar – một thị trường đầy tiềm năng nhưng cũng hàm chứa không ít rủi ro.  

Trong tương lai, FECON Rainbow sẽ tiếp tục tiếp cận các dự án tại Singapore, Bangladesh, Indonesia, Campuchia. Với Singapore, nơi mà các doanh nghiệp Việt Nam gần như không “có cửa” thì việc thâm nhập vào thì trường khó tính này với tư cách doanh nghiệp Myanmar lại dễ dàng hơn rất nhiều. Còn tại Bangladesh – nơi vốn được coi là thị trường ruột của Trung Quốc hay Ấn Độ thì việc đồng hành với các đối tác Nhật Bản sẽ giúp FECON có thêm nhiều cơ hội với các dự án hạ tầng tại đây.

_25A7333

Công trường FECON tại dự án mở rộng cảng Thilawa, Myanma

4. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng chia sẻ rằng Doanh nghiệp cần xây dựng được văn hóa doanh nghiệp, bởi đó là linh hồn, là yếu tố khác biệt bền vững của doanh nghiệp… Được biết FECON cũng có một văn hóa khá rất đậm chất, trách nhiệm và chuyên nghiệp, ông có thể chia sẻ thêm quan điểm của mình về Văn hóa doanh nghiệp cũng như những vai trò của văn hóa doanh nghiệp trong thành công của FECON?

Doanh nghiệp nào cũng có những nét văn hóa của riêng mình, nhưng để có được nét văn hóa khác biệt bền vững, cần có một quyết tâm cao và sự kiên định của người lãnh đạo và toàn thể CBNV. Theo tôi, văn hóa doanh nghiệp đặc sắc, có chiều sâu sẽ tạo sự gắn kết chặt chẽ trong nội bộ doanh nghiệp và tạo lập niềm tin đối với cộng đồng xã hội.

Với FECON, ngay từ ngày đầu thành lập, chúng tôi đã xác định xây dựng công ty dựa trên 3 nền tảng: cơ sở vật chất, nền tảng tri thức và văn hóa doanh nghiệp. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp FECON là xây dựng hình ảnh một công ty mà mỗi khi nhắc đến, người ta sẽ nghĩ ngay đến một doanh nghiệp đầy trách nhiệm và có tính chuyên nghiệp cao. FECON là một doanh nghiệp xây dựng hạ tầng, làm việc trong điều kiện nặng nhọc, công việc của các anh em rất vất vả và nhiều sức ép, nếu không có một chất keo gắn kết là VHDN, thì sẽ khó có được sự đoàn kết, đồng tâm nhất trí của toàn thể NLĐ.

Bên cạnh đó, văn hóa doanh nghiệp giúp tác động tích cực đến tinh thần, sự đam mê cống hiến của người lao động. Một doanh nghiệp có giữ chân được người tài & tâm huyết hay không phụ thuộc rất nhiều vào văn hóa doanh nghiệp đó có đủ sức hút hay không.

Chúng tôi quan niệm, xây dựng văn hóa doanh nghiệp tốt cũng là cống hiến cho xã hội một doanh nghiệp tốt. Nhiều doanh nghiệp tốt thì chắc chắn sẽ kiến tạo lên một nền kinh tế phát triển bền vững & một xã hội phồn vinh.

5. Năm 2017, cộng đồng doanh nghiệp đã và đang kỳ vọng vào tinh thần dốc sức của Chính phủ, hứa hẹn sẽ tạo ra những động lực phát triển mới cho nền kinh tế. Với những tiền đề đã có, ông nhận định ra sao về triển vọng phát triển mới của FECON năm 2017?

Mỗi doanh nghiệp đều phải xây dựng cho mình những chiến lược phát triển trung và dài hạn. Và một trong những tiêu chí đầu vào để chúng tôi lựa chọn chiến lược chính là môi trường kinh doanh. Theo tôi nhận thấy, dưới tinh thần dốc sức vì doanh nghiệp của Chính phủ, môi trường kinh doanh đang ngày một thuận lợi hơn, cởi mở hơn. Vì thế, chúng tôi hòan toàn có quyền tin tưởng chiến lược kinh doanh của mình sẽ được thúc đẩy tích cực hơn.

Với tình hình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế hiện nay, FECON nói riêng và các doanh nghiệp VN nói chung đang và sẽ phải đối mặt rất nhiều thách thức, đặc biệt là việc cạnh tranh với cách doanh nghiệp nước ngoài. Trong các năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh áp dụng KHCN tiên tiến, nâng cao năng lực quản trị, tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản xuất, khắt khe hơn trong việc chọn các dự án tham gia trên cơ sở ưu tiên các dự án có yêu cầu cao về chất lượng, hàm lượng công nghệ, có khả năng thanh toán tốt, và đặc biệt là không tác động tiêu cực đến môi trường.

FECON mong đợi Chính phủ bên cạnh việc những nỗ lực trong thay đổi chính sách vĩ mô thì sẽ thực thi các hành động cụ thể hơn để có thể hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ như FECON phát triển mạnh mẽ.

Box:

Dưới tư cách của người đứng đầu một doanh nghiệp xây dựng hạ tầng, ông Phạm Việt Khoa cũng chia sẻ một số đề xuất về cải cách chính sách nhằm mở rộng cơ hội phát triển, khuyến khích kinh doanh đối với các công ty xây dựng hạ tầng nói riêng và các doanh nghiệp nói chung:

1. Xem xét sửa đổi luật Đấu thầu để các doanh nghiệp trong nước có cơ hội tham gia vào các công trình lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam. Hiện tại, các loại hình dự án hoặc công nghệ sử dụng đầu tiên tại VN thường yêu cầu hồ sơ kinh nghiệm công trình tương tự, việc này gây bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam khi cạnh tranh vì là công nghệ hay loại hình dự án mới thì không thể có công trình tương tự. Nhà thầu trúng thầu có trách nhiệm bảo lãnh thực hiện hợp đồng và bảo hành sau khi dự án hoàn thành, vì vậy Nhà thầu sẽ biết cách huy động nguồn lực (VD: chuyên gia nước ngoài) đảm bảo dự án thành công.

2. Xem xét sửa đổi Nghị định 15 /NĐCP/2015: Có cơ chế thu hút đầu tư phù hợp với các thông lệ quốc tế để thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng tại Việt Nam theo mô hình PPP. Đưa ra những chính sách có thể đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu của các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào các dự án hạ tầng tại Việt Nam như: có bảo lãnh chính phủ về doanh thu tối thiểu, cho phép điều chỉnh giá bán theo sự thay đổi tỷ giá ngoại tệ mạnh, hỗ trợ giải phóng mặt bằng & chi phí sử dụng đất để đảm bảo hiệu quả cho Nhà đầu tư  …

3. Đối với các doanh nghiệp Khởi nghiệp: Nên có chính sách khuyến khích như miễn thuế TNDN và thuế VAT từ 3-5 năm, ưu tiên giao đất & giảm chi phi sử dụng đất 50% trong vòng 10 năm, hỗ trợ đào tạo về quản trị, hỗ trợ phát triển KHCN…để các doanh nghiệp này có cơ hội tồn tại & phát triển.

Tin liên quan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *