Tin sự kiện

Khóa đào tạo quốc tế đầu tiên về thi công hầm trong đô thị được tổ chức tại Việt Nam

  • 10.04.2014
  • |
  • 2898 (Lượt xem)
Việc thi công hầm trong khu vực đô thị luôn luôn đặt ra những thách thức: ngoài những khó khăn và các rủi ro tiềm ẩn trong việc xây dựng và thi công công trình ngầm, các công trình hạ tầng sẽ không tránh khỏi việc bị ảnh hưởng do không được thiết kế để chịu được các biến dạng gây ra do quá trình thi công hầm. Đặc biệt khi thi công công trình ngầm trong khu vực đông dân cư như tại Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh, nơi các công trình dân dụng và cơ sở hạ tầng (hệ thống giao thông và tiện ích công cộng) đang trong tình trạng khá cũ và không được quy hoạch tốt. Do đó các bên liên quan trong quá trình xây dựng (chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu) có trách nhiệm phải hoàn thành thành công dự án về mọi mặt và phải đặc biệt chú trong đến tương tác với các công trình xung quanh. Chính vì vậy, sáng ngày 09/04/2014, Khóa đào tạo quốc tế đầu tiên về thi công hầm trong khu vực đô thị đã chính thức khai giảng tại Hà Nội, được giảng dạy trực tiếp bởi sáu chuyên gia hàng đầu thế giới với nhiều năm kinh nghiệm trong công tác thi công xây dựng hầm như: ông Søren Eskesen, Chủ tịch Hiệp hội hầm và Không gian ngầm thế giới (ITA); ông Michel Deffayet, Giám đốc trung tâm nghiên cứu về hầm (CETU), Pháp; ông Lars Babendererde, Đức; bà Karin Bäppler, Đức; ông Felix Amberg, Giám đốc tập đoàn Amber, Thụy Sỹ và ông Robert Galler, Cựu Chủ tịch Hiệp hội hầm Áo.
Ông Søren Eskesen, Chủ tịch Hiệp hội Hầm và Không gian Ngầm thế giới (ITA)

Ông Søren Eskesen, Chủ tịch Hiệp hội Hầm và Không gian Ngầm thế giới (ITA)

Nội dung khóa đào tạo sẽ tập trung vào việc truyền tải đến các học viên những kiến thức liên quan đến kỹ thuật công nghệ thi công hầm như (1) Những vấn đề cơ bản về thi công công trình ngầm đô thị như (2) Phương pháp thi công hầm; (3) Phương pháp thi công hầm trong đất yếu; (4) Thiết kế hầm đô thị; (5) Các vấn đề đặc biệt trong thi công hầm đô thị; (6) Vận hành và bảo dưỡng hầm đô thị; (7) Các ví dụ về xây dựng hầm đô thị. Đây là khóa đào tạo do Tổ chức đào tạo về hầm và khai thác không gian ngầm (ITACET), Hội công trình ngầm Việt Nam (VTA) phối hợp cùng Viện Nền móng và Công trình ngầm FECON đứng ra tổ nhằm tạo cơ hội cho các kỹ sư, nhà nghiên cứu, quản lý tại Việt Nam tiếp cận với những công nghệ mới nhất để thực hiện một dự án xây dựng hầm trong khu vực đô thị từ công tác khảo sát, thiết kế, xây dựng, quan trắc đến vận hành và khai thác trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình phát triển hệ thống tàu điện ngầm (metro) hai đô thị lớn là Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh. Khoá đào tạo sẽ diễn ra trong 3 ngày từ ngày 9-11/4 tại Hà Nội. Sau khi hoàn thành khoá học, các học viên sẽ được nhận chứng chỉ do ITA cấp. Đánh giá về khóa đào tạo, TS Lê Quang Hanh – Viện trưởng Viện nền móng và công trình ngầm Fecon cho biết: “Khóa học ngoài việc giới thiệu các khái niệm, kiến thức nền tảng chung xung quanh vấn đề hầm thì sẽ chú trọng giới thiệu về cách thức khoan hầm trong đô thị và xử lý nền đất yếu. Vấn đề rất quan trọng đối với sự phát triển của công nghệ xây dựng mới, cũng như việc nâng cao trình độ và kỹ năng của kỹ sư xây dựng, kỹ sư địa kỹ thuật”. Hiện, trên thế giới, nhất là các nước như Nhật, Hàn Quốc, Đức thường áp dụng công nghệ Jet – grouting (phun xả xi măng đất) và Vacuum consolidation method (cố kết hút chân không). Đây là những công nghệ cốt lõi và cơ bản để  xử lý các vấn đề phát sinh khi xây dựng hầm tại khu đô thị. Fecon cũng đã tiếp nhận và ứng dụng trong xây dựng các công trình thực tế của nước ta. Đặc biệt rất phù hợp với hai khu vực đồng bằng sông thổ, nền đất yếu như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Không chỉ có vậy, trong tương lai điều này sẽ còn hỗ trợ rất tích cực, góp phần đảm bảo chất lượng xây dựng các tuyến Metro.
TS Lê Quang Hanh, Phó chủ tịch VTA, Viện trưởng Viện nền móng và công trình ngầm FECON

TS Lê Quang Hanh, Phó chủ tịch VTA,
Viện trưởng Viện nền móng và công trình ngầm FECON

Ông Hanh cũng cho biết thêm: “Hiện Viện đã có một đội ngũ kỹ sư nhất định được đào tạo ở nước ngoài và các kỹ sư nước ngoài sang Việt Nam để cung cấp, chuyển giao công nghệ, tư vấn và hỗ trợ quản lý chất lượng dự án cho các nhà thầu, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thực tế và đối mặt với các rủi ro. Đặc biệt, Fecon đang nỗ lực phấn đấu, hướng tới phát triển trở thành nhóm doanh nghiệp hàng đầu về hạ tầng tại Việt Nam vào năm 2020”. Bên cạnh sự hỗ trợ tích cực từ phía Hiệp Hội hầm và Không gian ngầm thế giới (ITA), khóa đào tạo cũng đã nhận được sự quan tâm tài trợ của các công ty trong lĩnh vực liên quan như Công ty FECON, Tập đoàn Shimizu, Công ty Raito Kogyo, Tổng Công ty Sông Đà, Tập đoàn Nippon Steel & Sumitomo Meta; Công ty Vinavico, Công ty Basf Việt Nam, Công ty Altamira Information. Một số hình ảnh của khóa đào tạo: DT11 DT31 kh21

Tin liên quan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *