Tin sự kiện

FECON tổ chức toạ đàm trực tuyến với các quỹ đầu tư

  • 11.08.2020
  • |
  • 2958 (Lượt xem)

Vừa qua, Công ty CP FECON (mã FCN) đã phối hợp cùng Công ty CP chứng khoán SSI và Công ty CP chứng khoán Dầu khí (PSI) kết nối với các quỹ đầu tư thông qua hệ thống họp trực tuyến tại trụ sở Hà Nội.

Phiên họp có sự tham gia của nhiều quỹ đầu tư trong và ngoài nước đang quan tâm và tìm kiếm cơ hội hợp tác với FECON, tiêu biểu như Cathay Life Vietnam, Fides Investment Management Fides Investment Management, Indochina Capital, Manulife IM, PVIAM, PYN Elite Fund, Shinhan Bank, VinaCapital…

Trong buổi tiếp xúc trực tuyến này, nhiều nội dung quan trọng được đại diện FECON trình bày gồm: giới thiệu doanh nghiệp; báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm; chiến lược kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn 2030…

Theo ông Trần Phương - đại diện Ban Quan hệ cổ đông FECON (IR), quý II/2020, FECON ghi nhận mức tăng trưởng khả quan với doanh thu hợp nhất đạt 762 tỷ đồng, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận gộp đạt 106 tỷ đồng, tăng 72%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của FECON đạt lần lượt là 1.189 tỷ đồng và 35,5 tỷ đồng.

“Dù kết quả đạt được thấp hơn so với kế hoạch đặt ra, nhưng FECON lạc quan bởi tính chất đặc thù của doanh nghiệp xây lắp, nguồn doanh thu và lợi nhuận sẽ được ghi nhận vào thời điểm cuối năm, có thể đạt mục tiêu doanh thu hợp nhất là 4.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 233 tỷ đồng”, ông Phương nhấn mạnh.

Theo chiến lược phát triển giai đoạn 2020 – 2025, FECON sẽ đẩy mạnh vào 5 lĩnh vực kinh doanh, bao gồm nền và móng; công trình ngầm; hạ tầng giao thông; xây dựng dân dụng và công nghiệp; đầu tư dự án. Đến năm 2025, FECON đưa ra mục tiêu doanh thu là 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 825 tỷ đồng. 

Điểm nhấn của sự kiện trực tuyến trên là phiên thảo luận của các quỹ đầu tư dành cho đại diện FECON với hơn 20 câu hỏi được đặt ra xoay quanh các con số tài chính, nhận định đối thủ cạnh tranh trong ngành, các gói thầu giá trị và các thông tin liên quan đến từng lĩnh vực mà FECON tham gia…

Bằng sự thẳng thắn và cởi mở, ông Trần Phương đã cung cấp những thông tin cụ thể vào từng vấn đề được nhà đầu tư quan tâm.

Về câu hỏi đầu tiên liên quan đến khoản sẽ được hạch toán doanh thu 2020 trên tổng giá trị ký mới từ đầu năm 2020 đến nay, ông Phương cho rằng 60 % giá trị hợp đồng sẽ được hạch toán trong năm 2020 (ví dụ hiện tại là 60% trong tổng 3.200 tỷ đồng, chưa kể các hợp đồng ký tiếp quý III, IV).

Bày tỏ quan điểm trước thông tin EVN đề nghị không gia hạn áp dụng cơ chế giá điện cố định cho các dự án điện gió tại quyết định 39/2018/QĐ-TTg, ông Phương cho rằng chính sách EVN sẽ có thể tác động đến các nhà đầu tư mới trên thị trường điện gió, nhưng với doanh nghiệp xây lắp như FECON sẽ được hưởng lợi do các chủ đầu tư hiện nay phải đẩy nhanh tốc độ thi công dự án để kịp hưởng giá FIT hiện hành. Do vậy, ngoài các hợp đồng đã ký, FECON có nhiều cơ hội ký thêm một số dự án thi công khác trong năm 2020 nhằm nâng giá trị hợp đồng cho các tháng cuối năm.

Với góc độ chủ đầu tư, FECON cũng tham gia dự án điện gió tại Sóc Trăng, coi đây là một lĩnh vực đầu tư đầy tiềm năng. Dự án này đang được thực hiện đúng tiến độ để đảm bảo hưởng mức giá FIT theo quy định.

Về các dự án nước ngoài, ông Phương cho biết đây cũng là một điểm sáng trong bức tranh kinh doanh chung của công ty với một số dự án tiêu biểu như cầu Bago (Myanmar), cảng quốc tế Sittwe (Myanmar), dự án đường sắt tại Manila (Phillipines)…

Theo đó, đây là lần đầu tiên FECON tổ chức trao đổi trực tuyến với các quỹ đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhằm cập nhật tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời chia sẻ cơ hội đầu tư. FECON kỳ vọng trong thời gian tới sẽ được trao đổi, cung cấp nhiều thông tin hơn nữa tới các nhà đầu tư tiềm năng của doanh nghiệp thông qua nhiều hình thức khác nhau.

Tin liên quan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *