Tin sự kiện

FECON thành lập tổ "công phá" thị trường Myanmar

  • 29.08.2017
  • |
  • 2699 (Lượt xem)

Sáng 26/8/2017, FECON và FECON Rainbow (Myanmar) tổ chức hội thảo “Cơ hội kinh doanh tại thị trường xây dựng Myanmar” nhằm chia sẻ thông tin và kinh  nghiệm tại thị trường này. Đồng thời thống nhất thành lập “Tổ công phá” thị trường Myanmar nhằm tạo nên sức mạnh để tiếp cận và triển khai các dự án lớn trong thời gian tới.

Hội thảo về thị trường xây dựng Myanmar do FECON và FECON Rainbow tổ chức thu hút sự quan tâm của không chỉ người FECON

 

Tham dự Hội thảo, ngoài BLĐ, bộ phận kinh doanh của các công ty thành viên FECON còn có sự tham gia của các đối tác, đang quan tâm đến thị trường Myanmar như TEDI, TEDIPORT, AMECC, HASSYU, BRITEC, APECO… Đặc biệt, Phó vụ trưởng – Vụ hợp tác Quốc tế - Bộ Giao Thông vận tải – Ông Nguyễn Ngọc Thuyên cũng đến dự.

Những năm gần đây, Myanmar được biết tới là một thị trường đầy tiềm năng cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng. Vì vậy, khi chia sẻ về cơ hội kinh doanh tại Myanmar, ông Nguyễn Văn Thanh – Giám đốc Kinh doanh, CTCP FECON, ngoài việc tổng quát về đất nước, con người, kinh tế, hạ tầng của Myanmar, còn chỉ ra những khó khăn và thuận lợi của các doanh nghiệp đầu tư vào Myanmar. Nếu những khó khăn được đề cập như hạ tầng lạc hậu, thủ tục hành chính rườm rà, chỉ số cạnh tranh yếu do chính sách kinh tế còn dè dặt, chính sách quản lý ngoại tệ còn phức tạp và rủi ro chính trị, tôn giáo; thì “mảnh đất vàng” này vẫn nhận được nhiều sự đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài bởi nhiều yếu tố thuận lợi. Nổi bật là Myanmar đang đẩy mạnh chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và tạo điều kiện dễ dàng trong các thủ tục thành lập doanh nghiệp xây dựng. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có gần 60 dự án được đầu tư vào Myanmar bởi các doanh nghiệp Việt Nam với tổng số vốn là hơn 2 tỷ Đô la Mỹ. Nổi bật là một số tập đoàn như Viettel, BIDV, Hoàng Anh Gia Lai, FPT...  và các nhà thầu xây dựng lớn như Hòa Bình (2014), FECON (2016), Thép Việt Nam, Phan Vũ… Năm 2016, FECON đã thực hiện thành công dự án Mở rộng cảng Thilawa và hiện đang triển khai một số gói thầu khác trong thời gian tới.

Ông Huruo Ishiguro – Giám đốc Marketing, CTCP FECON cũng chia sẻ về kinh nghiệm kinh doanh, thông tin dự án và cả những cách thức tham gia thầu tại đây.

Myanmar là thị trường đầy tiềm năng cho các nhà thầu Việt nam

Đặc biệt, phát biểu tại buổi Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Thuyên cũng nhấn mạnh Myanmar là mảnh đất vàng của châu Á, có tiềm năng phát triển và cơ hội đầu tư lớn. Hai nước Việt Nam – Myanmar đã thống nhất hợp tác toàn diện về tăng cường quan hệ, mở rộng hợp tác liên thông ngân hàng, tiếp cận vốn tại thị trường Myanmar, hỗ trợ đầu tư, thanh toán quốc tế… Từ đó, Bộ GTVT cũng có nhiều cơ hội tăng cường hợp tác về đường hàng không, đường biển và đường bộ, giúp thúc đẩy giao thương qua lại giữa hai bên. Vì vậy, với mọi điều kiện thuận lợi nói trên, các doanh nghiệp hoàn toàn có cơ hội tham gia các dự án xây dựng tại đây, chỉ cần đảm bảo nguồn tài chính vững chắc và đội ngũ kỹ thuật cao.

Chia sẻ tại hội thảo, đại diện khách mời đến từ Công ty AMECC – Phó tổng giám đốc Ngô Quốc Thịnh nhấn mạnh muốn thành công ở thị trường bạn, cần nhất là sự chân thành hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, “muốn đi xa thì đi một mình, muốn đi lâu thì đi cùng nhau”.

Kết thúc buổi hội thảo, ông Phạm Việt Khoa – Chủ tịch CTCP FECON đã tổng kết và thống nhất thành lập Tổ “công phá” thị trường Myanmar. Tổ công tác này sẽ trao đổi các thông tin thường xuyên về thị trường Myanmar, cùng nhau bàn bạc về cách tiếp cận dự án. Đối với từng dự án cụ thể, các thành viên sẽ nhất trí để tạo ra một liên danh, hợp tác cùng nhau tham gia đấu thầu.

Tin liên quan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *