Cảng Lạch Huyện – cảng biển nước sâu hiện đại nhất Việt Nam vừa chính thức khánh thành tại Hải Phòng, có khả năng tiếp nhận những tàu lớn nhất thế giới.
Đây là dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực hàng hải, góp phần thúc đẩy giao thương quốc tế và tạo động lực phát triển kinh tế, đồng thời là minh chứng rõ nét cho năng lực của các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là FECON - đơn vị thi công nhiều hạng mục trọng điểm của dự án.
Cảng Lạch Huyện, còn gọi là Cảng Hải Phòng mới, là cảng nước sâu đầu tiên tại khu vực Bắc Bộ có khả năng tiếp nhận tàu container trọng tải lớn, lên tới 18.000 TEUs. Với hệ thống cầu cảng hiện đại, độ sâu luồng tàu lên tới 14m, cảng Lạch Huyện cho phép vận hành trực tiếp các tàu mẹ đi châu Âu, châu Mỹ mà không cần trung chuyển qua cảng nước ngoài.
Việc đưa cảng vào khai thác không chỉ giải quyết tình trạng quá tải tại cảng Hải Phòng hiện hữu mà còn mở rộng năng lực kết nối của Việt Nam với các tuyến vận tải biển quốc tế. Đây là mắt xích quan trọng trong tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xuất nhập khẩu, phát triển khu công nghiệp và dịch vụ logistics toàn miền Bắc.
Cảng Lạch Huyện được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm logistics lớn của cả nước, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu biến Việt Nam thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực Đông Nam Á trong giai đoạn 2025-2030.
Dấu ấn của FECON trong dự án tỷ đô
Đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng cảng, Công ty cổ phần FECON (Mã FCN - sàn HoSE) là đơn vị thi công toàn bộ hệ thống đường bãi, hạ tầng trên bờ và xử lý nền móng của Bến cảng số 5 và 6 tại khu bến Lạch Huyện. Gói thầu này có tổng giá trị hơn 1.100 tỷ đồng, thuộc nhóm các hạng mục có quy mô lớn và yêu cầu kỹ thuật cao nhất của dự án do Tập đoàn HATECO làm chủ đầu tư.
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý là việc FECON tiên phong ứng dụng công nghệ cọc xi măng - đất RAS trong xử lý nền móng. Đây là giải pháp kỹ thuật tiên tiến, giúp tăng độ ổn định và khả năng chịu tải trong điều kiện địa chất yếu đặc trưng của vùng ven biển, đồng thời rút ngắn tiến độ thi công đến 6 tháng so với phương pháp truyền thống.
Ông Hoàng Đình Tuấn, Tổng giám đốc Tập đoàn HATECO đánh giá:“Thi công đường bãi và kết cấu hạ tầng là một trong những gói thầu quan trọng nhất của dự án. Chính vì vậy, chúng tôi tin tưởng lựa chọn FECON - nhà thầu uy tín hàng đầu trong lĩnh vực nền móng và hạ tầng.
FECON đã hoàn thành đúng tiến độ để đảm bảo vận hành thử nghiệm từ quý I/2025, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của công trình cảng biển quốc tế. Sự thành công này không chỉ khẳng định năng lực thi công của doanh nghiệp trong các dự án quy mô lớn mà còn thể hiện vai trò chủ động làm chủ công nghệ, góp phần nâng cao vị thế của nhà thầu Việt trong lĩnh vực hạ tầng chiến lược.
Động lực từ chiến lược phát triển cảng biển quốc gia
Cảng Lạch Huyện là một trong những dự án trọng điểm thuộc Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 (theo Quyết định 1579/QĐ-TTg). Theo quy hoạch này, Việt Nam sẽ phát triển 5 nhóm cảng biển chính, trong đó Hải Phòng - Quảng Ninh là đầu mối khu vực phía Bắc, đóng vai trò trung tâm logistics và cửa ngõ xuất nhập khẩu chủ lực.
Để đáp ứng khối lượng hàng hóa dự kiến đạt 1,14 - 1,423 tỷ tấn vào năm 2030, Chính phủ định hướng huy động khoảng 313.000 tỷ đồng đầu tư phát triển hạ tầng cảng biển. Đặc biệt, các nguồn vốn ngoài ngân sách như tư nhân và FDI sẽ là động lực chính, đi đôi với việc thúc đẩy mô hình hợp tác công - tư (PPP).
Việc doanh nghiệp trong nước như FECON tham gia sâu vào những hạng mục kỹ thuật quan trọng không chỉ giúp giảm phụ thuộc vào nhà thầu nước ngoài mà còn mở ra cơ hội phát triển đội ngũ kỹ sư, công nghệ xây dựng trong nước. Đây là mô hình điển hình cho một nền công nghiệp xây dựng tự chủ, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Không chỉ hiện diện tại Lạch Huyện, FECON còn đang tham gia nhiều dự án cảng biển trọng điểm khác trên cả nước như Cảng Baria Serece (Vũng Tàu), Cảng Mỹ Thủy (Quảng Trị)... Tại Cảng Mỹ Thủy - cửa ngõ giao thương quan trọng giữa Trung Bộ và Lào, FECON là tổng thầu thi công hai bến chính, sử dụng đồng bộ các công nghệ hiện đại để đảm bảo chất lượng nền móng. Đây là minh chứng cho chiến lược bài bản và năng lực thi công hạ tầng của doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics.
Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT FECON chia sẻ: “Chúng tôi xác định phát triển hạ tầng là một trong những mục tiêu chiến lược của FECON, trong đó tập trung vào các dự án liên quan đến cảng biển, cảng hàng không, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị…. Với lợi thế về công nghệ cùng đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm và năng lực tổng thầu, FECON sẽ tiếp tục đồng hành cùng các công trình mang tầm vóc quốc gia.
Chiến lược này phù hợp với bối cảnh Việt Nam đang từng bước hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hạ tầng cảng biển hiện đại không chỉ thúc đẩy thương mại, mà còn là tiền đề để phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, chế biến, xuất khẩu, tạo sức bật cho nền kinh tế. Trong xu thế đó, vai trò tiên phong của các doanh nghiệp trong nước như FECON không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn đóng góp quan trọng vào hành trình kiến tạo hệ thống logistics hiện đại, bền vững cho Việt Nam.
Bình luận