Tin tức

Tập đoàn xây dựng FECON: Đột phá vào lĩnh vực đầu tư lĩnh vực năng lượng tái tạo

  • 08.03.2023
  • |
  • 3689 (Lượt xem)

Sau 19 năm hình thành phát triển, Tập đoàn FECON đã khẳng định vị thế là nhà thầu xây dựng công nghiệp - hạ tầng và nhà đầu tư uy tín về nền móng, công trình ngầm. Trong những năm gần đây, cùng với mở rộng đầu tư sang lĩnh vực bất động sản công nghiệp – đô thị, FECON cũng đang đột phá vào Năng lượng tái tạo với việc hợp tác nghiên cứu triển khai dự án điện gió lớn ngoài khơi tại Bà Rịa Vũng Tàu. Theo ông Phạm Việt Khoa – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn: Việc FECON đột phá vào lĩnh vực được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển này không chỉ khơi dậy các nguồn lực để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp mà còn góp phần phát huy các tiềm năng to lớn của đất nước và chung tay cùng Chính phủ hiện thực hoá các cam kết với cộng đồng quốc tế về chống biến đổi khí hậu.

Từ nhà thầu chuyên nghiệp về nền móng & ngầm…

Được biết đến như “gã khổng lồ” trong lĩnh vực nền móng và công trình ngầm, từ năm 2016, FECON đã từng bước  tiến vào các thị trường mới trong đó có  lĩnh vực đầu tư năng lượng xanh thông qua các hợp tác Quốc tế. Khởi đầu cho hành trình chinh phục này là việc tham gia vào Dự án năng lượng tái tạo điện mặt trời Vĩnh Hảo 6 với  tổng vốn đầu tư 1.300 tỷ đồng, công suất thiết kế 50 MWp, sản lượng điện dự kiến 83 triệu KWh/năm, được xây dựng trên diện tích 60ha tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Dự án được khởi công vào tháng 10/2018, và hoàn tất thủ tục vận hành thương mại (COD) từ ngày 18/6/2019.

Tiếp nối kết quả này, FECON đã tiến dài thêm, sâu hơn vào lĩnh vực năng lượng khi tham gia liên doanh với đối tác nước ngoài Ecotech đầu tư Nhà máy điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng với công suất giai đoạn 1 là 30MW, tổng mức đầu tư hơn 1.420 tỉ đồng trên diện tích quy hoạch 7,5ha trên đất liền. Nhà máy có 6 trụ turbine gió, mỗi turbine có công suất 5MW. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ cung cấp điện năng cho hệ thống điện quốc gia với sản lượng khoảng 97,5 triệu kWh/năm. Nhà máy điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng chính thức được công nhận COD ngày 29/10/2021 đã góp phần đưa tên tuổi FECON “vươn xa hơn khỏi mặt đất”.

Hình ảnh dự án Nhà máy Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng

Cùng với làm chủ đầu tư, FECON cũng đã tham gia thi công cho gần 20 dự án điện mặt trời và điện gió từ năm 2017-2022. Đó là nền tảng để FECON tiếp tục triển khai các dự án năng lượng tái tạo khác tại các địa phương như: dự án điện gió tại Gia Lai, Bà Rịa Vũng Tàu, điện mặt trời tại Bình Thuận, Bình Phước….

….đến Nhà đầu tư năng lượng hợp tác Quốc tế…

Một trong các dự án đang phát triển tương đối tiềm năng của FECON là điện gió ngoài khơi tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có công suất dự kiến 500MW đã ký hợp tác với Corio Generation - Doanh nghiệp Úc chuyên về lĩnh vực điện gió ngoài khơi, khai thác năng lượng tái tạo trên toàn thế giới. Dự án nằm cách bờ biển 25-30km, được kỳ vọng sẽ là một trong số những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn được xây dựng tại Việt Nam, có thể cung cấp khoảng 1.250 GWh điện sạch và giảm thiểu hơn 600.000 tấn phát thải carbon mỗi năm. Hiện các bước nghiên cứu phát triển đang triển khai và đã đạt được đồng thuận của địa phương về việc khảo sát đo gió và địa phương đang tiến hành xin ý kiến của Bộ, ngành liên quan để các bước khảo sát, lập dự án nhưng đang bị chậm so dự kiến bởi Quy hoạch điện VIII chưa được Chính phủ phê duyệt.

Chủ tịch Phạm Việt Khoa chia sẻ: Hiện nay, điện gió ngoài khơi là lĩnh vực mới đối với Việt Nam, các nhà đầu tư trong nước hầu như đều chưa có kinh nghiệm. Đội ngũ của Corio là những chuyên gia có kinh nghiệm quốc tế trong việc phát triển điện gió ngoài khơi, với hàng loạt các dự án đang được phát triển tại châu Âu, châu Mỹ, châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm cả Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc… FECON mong muốn hợp tác để phát huy thế mạnh của hai bên: Corio mạnh về công nghệ và tài chính, FECON thế mạnh về nguồn lực địa phương và năng lực xây dựng.

FECON kí kết hợp tác cùng phát triển với Corio

FECON và Corio thường xuyên làm việc, hàng tháng tham gia vào quá trình quản trị của nhau. Corio đưa ra một số tiêu chuẩn yêu cầu đối tác Việt Nam tuân thủ: tính minh bạch, kỹ thuật dự án, quy trình quản lý, sức khoẻ an toàn vệ sinh môi trường… để đưa tiêu chuẩn vào Công ty rất có ích cho doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, Corio cử chuyên gia sang huấn luyện thực hiện các tiêu chuẩn góp phần quản trị và phát triển doanh nghiệp bền vững. Corio là một trong những đơn vị dẫn dắt trên thị trường sẽ là một lợi thế giúp FECON phát huy sức mạnh doanh nghiệp.

FECON tự tin khi dự án thành công trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu sẽ là bàn đạp mở rộng sang các dự án khác để hai bên cùng hợp tác đầu tư. Qua đó, nhờ mối quan hệ với Corio, FECON có thể mở rộng mối quan hệ với các đối tác của Corio trong chuỗi cung ứng xây dựng và phát triển điện gió. Khác với các dự án điện gió trên bờ và gần bờ, điện gió ngoài khơi  cho nên chi phí sẽ cao nên muốn có được giá điện cạnh tranh bán được cho thị trường của Việt Nam thì cần có giải pháp giảm chi phí. Chính vì vậy, việc tăng cường chuỗi cung ứng nội địa, các turbine sản xuất nội địa sẽ giảm được rất nhiều chi phí vận chuyển, nâng cao hiệu quả tài chính của các dự án điện gió. FECON đã nhìn nhận và phát triển năng lực cần thiết tham gia vào chuỗi cung ứng để không chỉ triển khai dự án điện gió ngoài khơi trong nước mà còn tại nước ngoài, trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

BOX: Việt Nam và Australia đã có quan hệ hợp tác lâu dài, là đối tác chiến lược từ năm 2018, thương mại hai chiều đã phát triển vượt bậc trong thời gian qua. Hơn thế nữa, tác động cộng hưởng của các hiệp định thương mại khu vực mà hai nước tham gia khiến Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn, nhận được nhiều nguồn vốn từ Australia đặc biệt trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi.

Bên cạnh đó, với tiềm năng phát triển đô thị tại Australia, các doanh nghiệp xây dựng của Việt Nam mong muốn Chính phủ hai nước sẽ có những giải pháp khơi thông thị trường, đưa lao động Việt Nam sang Australia. Đồng thời có cơ chế cùng nhau quản lý nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp, mở rộng cơ hội cho doanh nghiệp hai nước tham gia đầu tư. Đề xuất chính phủ Australia cân nhắc việc áp dụng đại trà yêu cầu tiếng Anh tối thiểu mà chỉ nên áp dụng cho đội ngũ quản lý để các đơn vị thi công, nhà thầu nước ngoài tiếp cận thị trường thuận lợi hơn.

 

 

Tin liên quan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *