Tin tức

Doanh nghiệp ngành xây dựng nỗ lực vượt “bão”

  • 22.04.2020
  • |
  • 5958 (Lượt xem)

Kết quả kinh doanh quý I/2020 của nhiều doanh nghiệp suy giảm do chịu tác động bởi dịch Covid-19, nhưng các doanh nghiệp ngành xây dựng vững tin vào động lực tăng trưởng trong những quý tiếp theo.

Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần FECON (FCN) cho biết, dịch Covid-19 ảnh hưởng rõ rệt tới nền kinh tế nói chung cũng như thị trường xây dựng nói riêng, đặc biệt là xây dựng bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, tuy nhiên khu vực bất động sản công nghiệp có hy vọng tăng trưởng tốt.

Doanh số ký hợp đồng mới của FCN trong quý I/2020 đạt 884 tỷ đồng, riêng tháng 3 khoảng 234 tỷ đồng.

Với các doanh nghiệp trong ngành xây dựng, lợi nhuận thường tập trung vào các quý cuối năm, vì đây là thời điểm đẩy mạnh bàn giao các dự án.

Lãnh đạo FCN chia sẻ, năm 2020 cũng như giai đoạn 5 năm tới, 2 trong 5 mảng kinh doanh chủ đạo của FCN là xây dựng hạ tầng, xây dựng công nghiệp và phòng chống biến đổi khí hậu.

Trong tháng 3/2020, FCN đã thực hiện ký kết nhiều dự án, trong đó có 2 dự án doanh nghiệp tham gia với tư cách nhà thầu thi công hạ tầng là dự án cảng Vĩnh Tân tại Ðồng Nai và dự án Khu công nghiệp cầu cảng Phước Ðông, Long An.

Bên cạnh đó, các dự án điện gió và các dự án thủy lợi, chống sạt lở cũng là mảng kinh doanh chiến lược trong vòng 5 năm tới của FCN, mục tiêu hướng đến đạt hơn 5.000 tỷ đồng doanh số trong năm 2020.

Sớm lường được khả năng sụt giảm lợi nhuận trong quý đầu tiên của năm 2020, nhưng việc ký thêm được các hợp đồng mới là điểm sáng, sẽ tạo động lực phát triển cho các doanh nghiệp xây dựng trong các quý tiếp theo.

Tại Công ty cổ phần Coteccons (CTD), trong tháng 3/2020, Công ty đã thực hiện ký kết mới 2 hợp đồng thi công dự án cao cấp, nâng tổng giá trị lên trên 5.000 tỷ đồng trong quý I/2020, bao gồm dự án Complex Building (quy mô 8.320 m2 với 1.074 căn hộ hạng sang tại quận 1, TP.HCM) và dự án The Metropole Thủ Thiêm.

Tín hiệu khả quan này là nhờ sự cố gắng của toàn thể cán bộ, công nhân viên, bất chấp khó khăn chung giữa đại dịch Covid-19.

Lãnh đạo CTD cho hay, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng lên toàn nền kinh tế nói chung và xây dựng nói riêng.

Trong bối cảnh này, Công ty sẵn sàng chung tay vì trách nhiệm đối với xã hội, người lao động, dù thị trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn khiến doanh thu sụt giảm.

Ngành xây dựng, xây lắp cũng chịu áp lực bị ảnh hưởng về doanh thu và khối lượng công việc. Mặc dù nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực xây dựng, bất động sản giảm sút, nhưng ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Hòa Bình (HBC) cho biết, Công ty nỗ lực mở rộng thị trường, tham gia dự thầu nhiều dự án bao gồm cả công nghiệp, hạ tầng và tại nước ngoài, với tổng giá trị dự thầu hiện nay lên đến hơn 26.000 tỷ đồng.

Theo HBC, cơ cấu lợi nhuận trong năm 2020 dự kiến gồm 60 - 65% từ mảng xây dựng dân dụng và xây dựng công nghiệp, mảng hạ tầng sẽ tăng dần tỷ trọng lên 35 - 40%.

Ðể tham gia trong mảng xây dựng hạ tầng, công nghiệp, HBC đã tiến hành mua phần vốn 57% của Công ty 479 - đơn vị được tách ra từ Tổng công ty Cienco 4, chuyên về thi công hạ tầng, có kinh nghiệm ở những công trình hạ tầng quy mô trong cả nước, có lượng khách hàng lớn.

Lãnh đạo Công ty cổ phần Ðầu tư Xây dựng Xuân Mai (XMC) cho biết, doanh thu và lợi nhuận trong quý đầu năm 2020 giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019, do nhiều công trình phải tạm dừng thi công theo quy định nhằm phòng chống dịch Covid-19.

Trong đó, doanh thu ước đạt 175 tỷ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu nhóm ngành xây dựng thời gian qua có diễn biến giảm mạnh theo thị trường chung, dù gần đây phục hồi song P/E vẫn thấp hơn giai đoạn năm 2016, chỉ còn khoảng 5 lần, so với trước đây là trên 10 lần.

Ông Ðào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) cho rằng, nhóm ngành xây dựng, xây lắp sẽ có sự phân hóa mạnh trong thời gian tới.

Những doanh nghiệp xây dựng dân dụng có thể phụ thuộc vào sự phục hồi thanh khoản và dòng vốn vào thị trường bất động sản, trong khi một số doanh nghiệp thi công nền móng, hạ tầng có thể có lợi thế lớn từ hoạt động đầu tư công của Chính phủ.

Giá cổ phiếu của ngành xây dựng, xây lắp có vốn hóa trên trung bình hiện có P/E từ 3 - 5 lần, mức giảm giá bình quân tương đương với mức giảm chung của thị trường, có thể phản ánh quan ngại chung của nhà đầu tư tới tăng trưởng kinh tế.

Mặc dù vậy, các cổ phiếu ngành xây dựng, xây lắp đang có mức định giá tương đối thấp so với thị trường chung (VN-Index có mức P/E từ 10 - 11 lần).

Theo ông Dương, cổ phiếu ngành xây dựng, xây lắp có hệ số beta (biến động giá) cao do tính chất hoạt động có mức độ lưu chuyển dòng tiền và nguồn thu nhập ròng biến động lớn.

Mặc dù vậy, giá cổ phiếu nhóm ngành này đang bị đánh giá tiêu cực thái quá so với những ảnh hưởng thực tế, phần nào chịu sức ép từ động thái bán ròng của khối ngoại.

Do đó, khi các ảnh hưởng tiêu cực qua đi, một số cổ phiếu trong lĩnh vực xây dựng xây lắp, nền móng và cơ sở hạ tầng có thể phục hồi mạnh hơn mức trung bình của thị trường, đặc biệt khi các doanh nghiệp bắt đầu đón nhận dòng vốn giải ngân thúc đẩy đầu tư công.

Kết quả kinh doanh quý đầu năm suy giảm khi được công bố có thể không tác động nhiều đến diễn biến giá cổ phiếu, vì nhiều khả năng đã được phản ánh từ trước vào giá. Bên cạnh đó, kết quả này không thể hiện xu hướng của ngành.

Hiện tại, câu chuyện về dòng vốn, hợp đồng và công việc mới, các hoạt động mà doanh nghiệp đang triển khai là điểm mấu chốt phản ánh sức khỏe nội tại và khả năng phục hồi của từng doanh nghiệp, nên giới đầu tư, phân tích vẫn đánh giá cao các doanh nghiệp có thương hiệu mạnh trong lĩnh vực thi công nền móng, cơ sở hạ tầng.

(Theo Tin nhanh chứng khoán)

Tin liên quan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *