Tin sự kiện

Rút ngắn khoảng cách địa kỹ thuật công trình với thế giới

  • 28.11.2019
  • |
  • 8089 (Lượt xem)

Hội nghị quốc tế về địa kỹ thuật và hạ tầng lần thứ 4 (GEOTEC HANOI 2019) khai mạc sáng 28/11 tại Hà Nội với mục tiêu chính là góp phần rút ngắn khoảng cách về khoa học công nghệ giữa Việt Nam và các nước phát triển trong ngành địa kỹ thuật công trình.

Gần 1.000 chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong nước và 40 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia Hội nghị GEOTEC HANOI 2019. Hội nghị do Công ty cổ phần FECON, Hội Địa kỹ thuật công trình Việt Nam, Đại học Thủy lợi và Công ty Kokosai Kohyo Nhật Bản phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Hội Địa kỹ thuật công trình Thế giới.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch Công ty cổ phần FECON, Trưởng ban tổ chức GEOTEC HANOI 2019 cho rằng Việt Nam là nước nằm trong khu vực địa lý có nhiều đe doạ về thiên tai và biến đổi khí hậu, đặc biệt điều kiện địa chất rất phức tạp dẫn đến phải đối mặt với những vấn đề không bền vững liên quan đến xây dựng, vận hành và khai thác các loại công trình trên toàn quốc.

Với điều kiện địa chất phức tạp, đối với mỗi loại công trình việc lựa chọn giải pháp nền móng tối ưu cho kết cấu hạ tầng là vô cùng quan trọng. Các giải pháp nền móng được quyết định qua nhiều khâu từ nghiên cứu khảo sát địa hình địa chất, cho đến thiết kế lựa chọn giải pháp, ứng dụng công nghệ phù hợp để thi công xây dựng và sử dụng trong quá trình khai thác.

Với các nhà khoa học, các nhà làm chuyên môn, nhiệm vụ quan trọng là tìm ra giải pháp và áp dụng công nghệ tối ưu cho mỗi yêu cầu cụ thể, nhằm mục tiêu cùng lúc thoả mãn 3 tiêu chí cho mỗi công trình: an toàn bền vững, thân thiện môi trường với giá thành thấp.

Trong chiến lược phát triển đến 2030 tầm nhìn 2045 của Chính phủ, Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, vì vậy có nhu cầu rất cao trong việc phát triển hạ tầng, phát triển công nghiệp và phát triển đô thị trên toàn quốc, ông Khoa nhận định.

Phát triển mạnh mẽ luôn tiền ẩn nguy cơ không bền vững, là một thách thức đối với mọi quốc gia và cuộc sống của con người. Điều này đặt ra nhiệm vụ quan trọng là thúc đẩy phát triển trên môi trường cạnh tranh, đồng thời phải ngăn chặn mọi nguy cơ dẫn đến không bền vững.

Theo ông Phạm Việt Khoa, các nhà quản lý, nhà khoa học và các doanh nghiệp nói chung, các nhà tư vấn, nhà thầu về hạ tầng và chuyên ngành nền móng và công trình ngầm nói riêng không thể đứng ngoài nhiệm vụ đó.

“Một trong những con đường nhanh nhất để có thể thực hiện nhiệm vụ đặt ra là áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, tri thức tiên tiến trong từng hành động và từng sản phẩm cụ thể”, ông Khoa nhấn mạnh.  

Lĩnh vực địa kỹ thuật, mặc dù là một lĩnh vực chuyên môn hẹp trong các ngành công trình nhưng lại có tính bao trùm tương đối, là giao diện thú vị giữa khoa học công trình với khoa học địa chất, bởi tất cả các loại công trình đều cần đến tri thức của lĩnh vực này.

Việt Nam chúng ta đang sở hữu khá nhiều nhà khoa học, các nhà chuyên môn công trình, kỹ sư thiết kế, kỹ sư thi công có hiểu biết về địa kỹ thuật công trình, đồng thời cũng sở hữu nhiều công nghệ tiên tiến áp dụng phổ biến trên thế giới cách đây 20-30 năm.

Hội nghị GEOTEC năm nay hướng đến giải quyết 3 mục tiêu chính. Trước hết là góp phần rút ngắn khoảng cách về khoa học công nghệ giữa Việt Nam và các nước phát triển trong ngành địa kỹ thuật công trình. Ngoài ra, hướng đến tạo sân chơi để các nhà khoa học trong nuớc và quốc tế kết nối với nhau, có cơ hội giao lưu học hỏi, cùng nhau không ngừng phát triển; tạo diễn đàn kết nối sự tham gia của 3 nhà, gồm: nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp để nhanh chóng vận dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến vào triển khai các dự án để đạt được cùng lúc 3 tiêu chí: an toàn bền vững, thân thiện môi trường và giá thành thấp nhất.

Sau thành công của 3 hội nghị trước đây vào các năm 2011, 2013 và 2016, hội nghị lần này thu hút sự tham gia của 160 diễn giả đến từ 40 nước trên thế giới, trong đó có các giáo sư hàng đầu trình bày tham luận và báo cáo. Các bài trình bày tập trung vào những đề tài thiết thực có tính ứng dụng cao, được tác giả chuẩn bị công phu. Trong đó, 2 chủ đề mới được bàn thảo tại hội nghị lần này là sạt lở và sói mòn đất và kỹ thuật xây dựng bờ biển.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho rằng, Việt Nam đang trong quá trình phát triển kinh tế mạnh mẽ, mỗi năm tổng mức đầu tư xây dựng cơ bản ước tính lên tới 60 tỷ USD, trong đó có lĩnh vực nền móng và công trình ngầm. Việt Nam đang trong quá trình phát triển xây dựng và trong quá trình này có rất nhiều yêu cầu đòi hỏi và thách thức, trong đó có các vấn đề về nền móng và địa kỹ thuật.

"Do vậy, hội nghị lần này không chỉ là diễn đàn mà còn là cơ hội để các nhà chuyên môn bàn thảo chia sẻ tri thức, kiến thức và đưa ra các giải pháp kỹ thuật cho ngành xây dựng Việt Nam", ông Hùng nêu.

Tại Hội nghị, GS. Charles Ng, Chủ tịch Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Thế giới đã giới thiệu công nghệ thử nghiệm xử lý đất cho nền móng, đặc biệt là xử lý đất yếu và công nghệ thi công hầm theo các định dạng khác nhau.

Mô tả

Trong khuôn khổ GEOTEC HANOI 2019 cũng diễn ra triển lãm với 60 gian hàng trưng bày, giới thiệu các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới về thiết kế, sản xuất, thi công các dự án nền móng, công trình ngầm, hạ tầng giao thông...

(Theo Báo đầu tư)

Tin liên quan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *