Chiều 14/11 tại Hà Nội, Công ty Cổ phần FECON, Tổng công ty Thăng Long – CTCP và Trường Đại học Giao thông vận tải (GTVT) đã ký kết thoả thuận hợp tác, với điểm nhấn đáng chú ý về công tác đào tạo. Mong muốn chuẩn bị tốt nhất cho các dự án đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị trong bối cảnh chủ trương của Chính phủ đang quyết liệt định hướng triển khai, FECON xác định việc chủ động đào tạo và nghiên cứu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là mục tiêu quan trọng trong thời gian tới, vì định hướng phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Tham dự lễ ký kết, có sự hiện diện của Ông Vũ Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thăng Long, Ông Nguyễn Việt Hà – Tổng giám đốc cùng nhiều lãnh đạo cấp cao của công ty. Đại diện đại diện trường Đại học Giao thông vận tải có PGS.TS. Nguyễn Văn Hùng – Phó hiệu trưởng phụ trách cùng các thầy cô các khoa chuyên môn của trường.
Về phía FECON, có Ông Trần Trọng Thắng – Phó Chủ tịch HĐQT thường trực, Ông Nguyễn Thanh Tùng – Tổng giám đốc điều hành, Ông Đỗ Mạnh Cường – Phó Tổng giám đốc, Ông Trần Trung Hiếu - Phó Tổng giám đốc, Ông Nguyễn Chí Công – Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hạ tầng FECON và sự tham gia của lãnh đạo, quản lý phòng ban các đơn vị.
Chia sẻ tại lễ ký kết, ông Đỗ Mạnh Cường – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần FECON bày tỏ: “Trường Đại học GTVT là cái nôi đào tạo nhân lực chất lượng cao, định hướng nghề nghiệp và nghiên cứu các công nghệ mới trong mảng hạ tầng, đường sắt, phù hợp với chiến lược phát triển của 2 đơn vị. Chính vì vậy, để hiện thực mục tiêu, FECON và Tổng công ty Thăng Long đã tăng cường hợp tác với Trường Đại học Giao thông Vận tải để phát huy thế mạnh của mỗi bên”.
Với định hướng phát triển các công nghệ mới, đặc biệt liên quan đến hạng tầng đường sắt, đường sắt đô thị và những công trình đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, tiên tiến, FECON mong muốn hợp tác trường Đại học GTVT trong lĩnh vực đào tạo nhằm tăng cường nhân lực làm việc tại hai doanh nghiệp là đội ngũ sinh viên giỏi sau khi tốt nghiệp.
Bên cạnh đó, đại diện FECON cũng chia sẻ sẽ tạo điều kiện thực hành, tham gia trực tiếp các dự án nhằm mang đến cơ hội cọ sát, nâng cao chuyên môn cho đội ngũ kỹ sư, sinh viên các bộ môn chuyên sâu của nhà trường từ đó góp phần đem lại hiệu quả tốt cho các doanh nghiệp và đóng góp vào sự phát triển chung của ngành xây dựng nước nhà. Đặc biệt trong bối cảnh các dự án đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị đang được Chính phủ chủ trương đẩy mạnh triển khai. Việc tham gia các dự án này ngay từ đầu sẽ giúp các bên chủ động được tất cả các khâu và bước đầu tiên chính là chuẩn bị về con người.
Đặt mục tiêu trở thành Tập đoàn xây dựng và phát triển hạ tầng hàng đầu tại Việt Nam vào năm 2030, tầm nhìn 2040, FECON tập trung phát triển thế mạnh về hạ tầng và tiến tới là hạ tầng giao thông vận tải kỹ thuật cao như đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị. Điều này đã được thể hiện qua hợp tác của FECON với các đơn vị chuyên môn trong và ngoài nước như Tổng công ty Thăng Long… và một số cái đơn vị chuyên thi công và nghiên cứu về lĩnh vực này.
Bằng sự thấu hiểu về chuyên môn, FECON đánh giá ngành xây dựng cơ bản có đặc thù thay đổi kỹ thuật công nghệ không nhanh. Nhưng riêng ngành đường sắt cao tốc và ngành đường sắt đô thị lại nằm ngoài quy luật đó. Đây cũng chính là sức hút để các công ty như FECON tập trung các nguồn lực đầu tư theo chủ trương phát triển của Chính phủ nhằm tích lũy đủ cơ sở khoa học, kỹ thuật, công nghệ và năng lực cũng như thời gian để tiến tới đáp ứng nhu cầu của thị trường trong tương lai.
Nói về sự chuẩn bị của doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Tùng – Tổng giám đốc FECON nhấn mạnh về công tác đầu tư, nhân lực và thế mạnh trang thế bị. Đặc biệt, FECON là một trong những đơn vị đi đầu về tiếp nhận và chuyển giao công nghệ. Trước đây, FECON là đơn vị đầu tiên nhận chuyển giao công nghệ cọc VSC về Việt Nam và lập ra tiêu chuẩn cơ sở. Hiện FEON cũng đang tiến tới xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho cọc xi măng đất đường kính lớn như cọc RAS… với khả năng ứng dụng nhiều trong xây dựng đô thị. Tại dự án bến cảng Lạch Huyện số 5, 6, FECON lần đầu tiên ứng dụng thành công công nghệ RAS Column tại Việt Nam.
“Đối với công nghệ xây dựng đường sắt đô thị, đường sắt cao tốc hay công trình ngầm, chúng ta đã bắt kịp thế giới và bắt đầu ứng dụng công nghệ AI trong điều khiển tự động, điều khiển thiết bị. Đây hoàn toàn là lĩnh vực trường đại học GTVT có thể dẫn đầu được và tạo ra đột phá công nghệ cho các bên”. – Ông Tùng chia sẻ.
Qua buổi ký kết, FECON cũng mong muốn hợp tác cùng trường Đại học GTVT phát huy những thế mạnh sẵn có của các bên, đưa hợp tác vào thực chất nhằm đặt dấu ấn cho một khởi đầu tốt đẹp cho những thành công trong thời gian tới. Việc hợp tác giữa 3 bên được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động nguồn lực đón đầu những cơ hội cũng như thách thức của thị trường trong thời gian tới, đặc biệt trong các lĩnh vực mới của ngành Xây dựng Việt Nam, thúc đẩy giải được nhiều bài toán khó đặt ra đối với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Chương trình thoả thuận hợp tác giữa 3 đơn vị gồm 7 nội dung chính. Trong đó, trường Đại học GTVT tổ chức các khoá đào tạo kỹ sư đường sắt (ngành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông), đồng thời cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao ngành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông cho 2 doanh nghiệp. Tổng công ty Thăng Long và Công ty cổ phần FECON tạo cơ hội thực tập, trải nghiệm thực tế nghề nghiệp cho sinh viên trường Đại học GTVT. Ba bên phối hợp nghiên cứu các đề tài khoa học, chuyển giao công nghệ theo nhu cầu; ứng dụng và quảng bá thương hiệu, sản phẩm của các bên…
Bình luận