Tin tức

DOANH NGHIỆP VIỆT NAM VÀ KHÁT VỌNG HẠ NGẦM ĐÔ THỊ

  • 09.11.2024
  • |
  • 89 (Lượt xem)

Với sự chuẩn bị kỹ càng, FECON đã trở thành cái tên quen thuộc được nhắc đến đầu tiên khi người ta nhắc đến các công trình ngầm đô thị; thực sự trở thành một trong những biểu tượng của ngành xây dựng, nhất là trong lĩnh vực ngầm đô thị. FECON đi lên bằng thực lực và dần lớn mạnh qua từng dự án, những thành công gặt hái được cũng ngày càng nhiều.

Công trình ngầm đô thị - sự lựa chọn tất yếu của các thành phố lớn

Lịch sử phát triển đô thị thế giới đã chứng kiến một bước ngoặt quan trọng vào đầu thế kỷ 20, khi các thành phố lớn dần chuyển hướng từ việc mở rộng theo chiều ngang sang khai thác chiều sâu. Điển hình như New York - thành phố từng đối mặt với tình trạng quá tải dân số vào những năm 1900, đã mạnh dạn xây dựng hệ thống tàu điện ngầm đầu tiên vào năm 1904. Quyết định này đã mở ra kỷ nguyên mới trong phát triển đô thị, biến New York thành một trong những thành phố hiện đại bậc nhất thế giới. Sau 120 năm hình thành và phát triển, New York hiện có hơn 400 nhà ga với tổng chiều dài tuyến 410km, phục vụ cho hơn 5 triệu hành khách mỗi ngày.

Tokyo cũng là một thí dụ điển hình khác về chuyển đổi thành công sang không gian ngầm. Sau Thế chiến II, đối mặt với việc thiếu hụt không gian nghiêm trọng, Tokyo đã phát triển mạng lưới ngầm đô thị phức tạp, bao gồm các trung tâm thương mại, nhà ga và đường hầm kết nối. Ngày nay, không gian ngầm Tokyo không chỉ giải quyết vấn đề giao thông mà còn trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống đô thị. Đến nay, TOKYO METRO có 13 tuyến với tổng chiều dài khoảng 228km với 290 nhà ga và phục vụ cho hơn 10 triệu hành khách mỗi ngày.

FECON đảm nhận nhiều hạng mục khó liên quan đến khoan hầm tại dự án Metro Line 3 Hà Nội.

Đáng chú ý là sự phát triển về hệ thống giao thông đường sắt đô thị tại Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây. Kể từ khi tuyến metro đầu tiên được xây dựng tại Bắc Kinh năm 1969 và sau đó là Thiên Tân năm 1984, đến nay Trung Quốc có hệ thống đường sắt đô thị dài nhất thế giới với tổng chiều dài trên 10.000km, có mặt tại hơn 53 thành phố, với 306 tuyến.

Thực trạng các thành phố lớn tại Việt Nam

Tại Việt Nam, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang đối mặt với những thách thức tương tự. Theo số liệu thống kê, dân số Hà Nội dự kiến sẽ đạt 9,5 triệu người vào năm 2030, trong khi Thành phố Hồ Chí Minh có thể vượt 11 triệu người. Mật độ dân số tại các quận trung tâm Hà Nội đã vượt 25,000 người/km2. [HDA1] Một số khu vực như quận 3, 4,10,11 của Thành phố Hồ Chí Minh có mật độ lên đến 40,000 người/km2. Tỷ lệ đất giao thông chỉ đạt 5-10%, trong khi tiêu chuẩn quốc tế là 20-25%[HDA2] . Thời gian kẹt xe trung bình tại 2 thành phố này tăng 30% trong 5 năm qua. Áp lực này đặt ra thách thức lớn về không gian sống, hạ tầng giao thông và tiện ích công cộng.

FECOn trở thành cái tên quen thuộc được nhắc đến đầu tiên khi nói về công trình ngầm.

Tại các đô thị lớn của Việt Nam, tình trạng khai thác không gian mặt đất cũng đang diễn ra phổ biến, trong khi khai thác và sử dụng không gian ngầm hầu như không đáng kể. Áp lực của ùn tắc giao thông tăng lên từng ngày, đặc biệt vào những giờ cao điểm, các dịp lễ Tết hầu như hệ thống giao thông đô thị bị tê liệt. Hiện tượng cứ mưa là phố biến thành sông đã phổ biến vài năm trở lại đây cả ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Cần Thơ.

Trước thực trạng đó, khai thác chiều thứ ba - đi sâu xuống lòng đất vừa là cách nhân sức tải hạ tầng lên nhiều lần, vừa trả lại không gian cảnh quan trên mặt đất hiệu quả và nâng cao giá trị sống của người dân. Công trình ngầm đô thị cùng lúc mang lại nhiều lợi ích như: giảm tối đa chi phí giải phóng mặt bằng; liên kết giao thông ngầm theo phương thức đa kết nối; tận dụng không gian ngầm không giới hạn tại các thành phố làm các công trình công cộng, thương mại, vui chơi giải trí và các hoạt động cộng đồng, khi cần có thể huy động vào các mục đích an ninh quốc phòng …

Tại các đô thị phát triển nóng, công tác quản lý quy hoạch chưa được chú trọng như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, không gian ngầm còn góp phần giảm tải cho vùng đô thị hiện hữu và cho phép bổ khuyết các chức năng còn thiếu do quá trình phát triển nóng chưa kịp thực hiện.

Thực tiễn tại Việt Nam cho thấy, giao thông ở nhiều đô thị lớn đều đang quá tải trầm trọng. Quỹ không gian mặt đất dành để phát triển hệ thống giao thông nội đô gần như đã cạn kiệt. Muốn mở rộng tuyến đường giao thông nội đô, các đô thị sẽ phải thu hồi quỹ đất hai bên đường với chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khổng lồ, bố trí tái định cư vô cùng vất vả. Do vậy, không gian ngầm đang là câu trả lời duy nhất cho hệ thống giao thông đô thị, giảm ùn tắc trên mặt đất với một chi phí hợp lý và chủ động hoàn toàn về thời gian triển khai.

Những năm gần đây, Hà Nội đã bắt đầu dành sự quan tâm cho phát triển các hạng mục ngầm nhằm giảm ùn tắc giao thông tại một số nút giao như hầm chui Trung Hòa – Đại Lộ Thăng Long, hầm chui nút giao Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến, hầm chui Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển, tuyến Metro Nhổn – Ga Hà Nội; đã góp phần giảm tải ùn tắc cho khu vực phía tây Hà Nội, tuy nhiên mới chỉ giải quyết được các bức xúc trước mắt trên một diện tích rất nhỏ của thủ đô.

Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2011, hầm sông Sài Gòn nối quận 1 và quận 2 (thành phố Thủ Đức hiện nay) đi vào hoạt động. Công trình giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ bờ đông sang tây sông Sài Gòn, rút ngắn quãng đường từ trung tâm thành phố về các tỉnh miền Tây, miền Đông này được đánh giá góp phần rất đáng kể vào sự phát triển kinh tế, xã hội trong hơn 10 năm qua. Sắp tới dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên đi vào hoạt động cũng sẽ là điểm nhấn quan trọng trong vận tải công cộng quy mô lớn giữa phía bắc thành phố với trung tâm thành phố.

FECON bắt đầu tham gia vào lĩnh vực công trình ngầm đô thị với dự án đầu tiên - Metroline 1 Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong khi đó tại Đà Nẵng, thành phố lớn thứ 3 cả nước cũng đang ráo riết cho việc quy hoạch và phát triển không gian ngầm đô thị, nhằm thực hiện dự án hầm vượt sông Hàn, hầm qua sân bay để kết nối đường vành đai phía tây với đường Duy Tân trung tâm thành phố.

Cùng với các công trình hầm chui, hầm vượt sông, theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định hệ thống giao thông ngầm gồm 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 413km, trong đó phần ngầm chiếm khoảng 25% và 3 tuyến đường sắt ray đơn với tổng chiều dài 44km. Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm đặt mục tiêu từ nay đến năm 2035 sẽ hoàn thành 8 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài trên 200km cùng nhiều tuyến đường bộ hạ ngầm, nút giao hạ ngầm và phát huy mạnh hệ thống không gian ngầm xung quanh các ga Metro cho các mục đích thương mại và vui chơi giải trí.

Rõ ràng, công trình ngầm đô thị đang khẳng định vị thế là hướng đi tất yếu của tương lai, mang lại cơ hội và cả những thách thức cho các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam nói chung và Công ty FECON nói riêng.

Sử dụng, khai thác và phát triển không gian ngầm đem lại nhiều lợi ích. Nó nâng cao hiệu quả và chất lượng của quy hoạch đô thị, nâng cao giá trị sử dụng đất và sử dụng hợp lý quỹ đất đô thị để xây dựng nhà ở, xây dựng các công trình công cộng. Bên cạnh đó là góp phần giải quyết các vấn đề giao thông đô thị; giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường”, bà Nguyễn Mai Trang, Giám đốc Điều hành Viện Nền móng Công trình ngầm GE nêu ý kiến.

Dù được đánh giá là “thị trường của tương lai”, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng dám “nhảy vào” bởi những rào cản “kỹ thuật” và “tài chính”. Lý do bởi vì xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng không gian ngầm không phải là mới ở các nước trên thế giới, nhưng còn nhiều điều mới mẻ đối với Việt Nam. Đặc biệt việc khảo sát, thi công, xây dựng, bảo trì các công trình ngầm đòi hỏi kỹ thuật/công nghệ cao và trình độ kỹ thuật ở mức rất cao. Chính điều này là thách thức đối với các nhà thầu xây dựng Việt Nam khi phải bỏ vốn, bỏ thời gian, đào tạo và huy động nhân sự để tiếp cận được với những công nghệ tiên tiến trên thế giới.

Không chỉ dừng lại ở câu chuyện về công nghệ, doanh nghiệp Việt Nam muốn làm chủ được thị trường công trình ngầm đô thị còn phải cạnh tranh với các doanh nghiệp từ nước ngoài ngay trên sân nhà. Những đối thủ này đã quá dày dặn kinh nghiệm tại các dự án về công trình ngầm đô thị tại các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Ý… Chính vì thế, để doanh nghiệp xây dựng Việt Nam có thể tham gia sâu vào công tác thi công các công trình ngầm đô thị, rất cần sự hỗ trợ và tạo điều kiện từ phía Nhà nước và Chính phủ.

“Nhà nước nên có những cơ chế đặc thù để có thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội làm các dự án có tính mới, đòi hỏi công nghệ hiện đại. Doanh nghiệp Việt Nam đều có khát vọng cống hiến và mong được góp phần xây dựng nên chính những công trình quan trọng của đất nước mình.”- bà Nguyễn Mai Trang bày tỏ.

Doanh nghiệp Việt với khát vọng xây dựng công trình hạ ngầm đô thị

Xác định công trình hạ ngầm đô thị là hướng đi tất yếu của tương lai, góp phần kiến tạo nên hạ tầng hiện đại của đất nước, Công ty FECON đã từng bước hiện thực hóa khát vọng của mình. Vừa qua, trên khắp các phương tiện thông tin truyền thông, hình ảnh chiếc máy TBM đang khoan hầm tại dự án đường sắt đô thị Metro Line 3 Hà Nội do những kỹ sư FECON trực tiếp vận hành được lan tỏa… Người dân nói về đường hầm metro đầu tiên tại Hà Nội sắp được hình thành, nhưng ít ai biết rằng, để đến ngày này, FECON đã phải chuẩn bị nguồn lực từ hàng chục năm trước.

Khởi nguồn từ ước mơ "Rồi Việt Nam cũng sẽ phải làm Metro chứ. Tại sao FECON không phải là doanh nghiệp đầu tiên làm việc đó?" của những người sáng lập FECON, cách đây đúng 10 năm, FECON đã thành lập một công ty con chuyên về lĩnh vực công trình ngầm, tập trung một đội ngũ nhân lực khủng là các tiến sĩ, thạc sĩ trẻ từ các nước phát triển như Pháp, Đức, Nhật, Singapore…; đặc biệt công ty đã hợp tác với Viện công nghệ châu Á (AIT) đào tạo 30 thạc sĩ thực hành chuyên về địa kỹ thuật và công trình ngầm trong vòng 5 năm.

FECON bắt đầu hành trình chinh phục lĩnh vực “Công trình ngầm đô thị” với gói thầu nhỏ xử lý nền bằng phương pháp khoan phụt vữa áp lực cao tại dự án Metro đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó là các gói thầu thi công cọc, vận hành TBM tại gói thầu 1A dự án Metro Line 1 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn Bến Thành – Suối Tiên. Tháng 6/2018, đánh dấu cột mốc đáng nhớ của FECON khi hoàn thành gói thầu nhánh hầm thứ hai của gói thầu khoan hầm bằng robot TBM dự án Metro Line 1 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn Bến Thành – Suối Tiên. FECON là nhà thầu Việt đầu tiên được tham gia vận hành TBM do chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn. Cùng năm đó, FECON cũng chính thức bước chân vào dự án Metro Line 3 Hà Nội đoạn Nhổn – Ga Hà Nội với vai trò là nhà thầu phụ hầu hết các hạng mục thi công ngầm của dự án.

Hiện tại, Công ty FECON không chỉ là nhà thầu đầu tiên của Việt Nam thực hiện công tác đào hầm bằng máy TBM mà còn thực hiện và tích hợp các công việc khác liên quan tới khảo sát địa chất và mực nước ngầm, xây dựng các hạng mục khác nhau của tuyến ga ngầm như cọc khoan nhồi, tường vây, kết cấu nhà ga, chống thấm và các giải pháp xử lý nền đảm bảo an toàn trong quá trình thi công (khoan phụt hóa chất chemical grouting, TAM grouting, jet grouting,…) và thiết lập các hệ thống quan trắc/cảnh báo tự động - những hạng mục khó nhất với công trình ngầm. Quá trình làm chủ kỹ thuật kết hợp với quá trình đào tạo và phát triển năng lực quản lý dự án đang ngày một hiện thực hóa mục tiêu chiến lược của FECON trở thành nhà thầu mạnh trong lĩnh vực đường sắt nói chung và đường sắt đô thị nói riêng.

Lắp ráp robot TBM tại Metro Line 1 Bến Thành - Suối Tiên.

Chia sẻ lý do FECON thuyết phục được tổng thầu nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc trong các dự án đường sắt đô thị từ Metro Line 1 Thành phố Hồ Chí Minh đến Metro Line 3 Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Bảo – Phó Tổng Giám đốc FECON cho biết: “Nó đến từ sự chuẩn bị kỹ lưỡng của đội ngũ kỹ sư và công nhân kỹ thuật – những con người tinh nhuệ và mẫn cán nhất trong đội ngũ cán bộ nhân viên công ty. Để có đội ngũ nhân lực chuẩn bị làm cho Metro, FECON đã chuẩn bị từ năm 2012 bằng việc cử 30 anh em kỹ sư học lớp thạc sĩ thực hành về kỹ thuật và công trình ngầm tại Học viện công nghệ châu Á (AIT Thái Lan), cử 60 công nhân tham gia đào tạo thi công đường hầm bằng khiên đào tại Malaysia, Trung Quốc và thực hành thực tế tại dự án của Nhật Bản. FECON có nhân sự chất lượng cao, được đào tạo bài bản, cùng với sự hỗ trợ chặt chẽ từ các đối tác Nhật Bản, Italy về các công nghệ cụ thể. Đó là các lý do chính để tổng thầu Nhật Bản, Hàn Quốc chọn FECON thực hiện các hạng mục khó nhất của dự án Metro.”

Không chỉ dừng lại ở Metro, FECON còn ghi dấu ấn tại nhiều dự án ngầm đô thị khác như các dự án hầm giao thông: Hầm chui Lê Văn Lương – Khuất Duy Tiến, Hầm chui Trung Hoà – Big C (Hà Nội); dự án gói G xử lý nước thải Thành phố Hồ Chí Minh, dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá Hà Nội…

Với sự chuẩn bị kỹ càng, FECON đã trở thành cái tên quen thuộc được nhắc đến đầu tiên khi người ta nhắc đến các công trình ngầm đô thị; thực sự trở thành một trong những biểu tượng của ngành xây dựng, nhất là trong lĩnh vực ngầm đô thị. FECON đi lên bằng thực lực và dần lớn mạnh qua từng dự án, những thành công gặt hái được cũng ngày càng nhiều.

Đi qua mỗi dự án công trình ngầm đô thị, đặc biệt lại là doanh nghiệp Việt đầu tiên tham gia, là không ít khó khăn. Ông Nguyễn Quốc Bảo – Phó Tổng Giám đốc FECON cho biết: “Với kinh nghiệm hàng chục năm thi công các công trình ngầm phức tạp tại Việt Nam, hơn ai hết, FECON “thấm” nhiều khó khăn, từ bài toán về tài chính, nhân lực đến kỹ thuật, công nghệ. Nhưng càng khó khăn, chúng tôi lại càng quyết tâm nỗ lực để hoàn thành tốt từng gói thầu, từng dự án với quyết tâm từ 2025 trở đi, cái tên FECON sẽ trở thành sự lựa chọn hàng đầu cho các công trình hạ tầng ngầm quan trọng của đất nước”.

Ông Phạm Việt Khoa – Chủ tịch Hội đồng quản trị, sáng lập viên FECON khẳng định: “Hơn 20 năm qua, FECON đã đi một chặng đường đủ dài, điều khiến chúng tôi tự hào nhất ở thời điểm này đó là thương hiệu FECON là Thương hiệu Quốc gia gắn liền với các công nghệ tiên tiến và các dự án trọng điểm. Trong giai đoạn phát triển sắp tới, FECON cam kết đồng hành mạnh mẽ với các chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc hiện thực hóa một trong các mục tiêu đột phá chiến lược là phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại phục vụ phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn 2045”

Để hình thành được bộ mặt đô thị hiện đại với dấu ấn quan trọng của các công trình ngầm, không thể chỉ có FECON. Nhưng với những doanh nghiệp có khát vọng, có năng lực và quyết tâm theo đuổi đến cùng, vì mục tiêu kiến tạo đất nước như FECON, tương lai về những đô thị đồng bộ hiện đại tại Việt Nam sẽ nhanh chóng trở thành hiện thực, mang lại cuộc sống ngày một tốt hơn cho người dân. Các không gian ngầm đô thị cũng sẽ ngày càng phát triển mở rộng, không chỉ với mục tiêu phục vụ dân sinh mà còn phát huy ở vai trò bảo vệ an ninh quốc phòng.

Tin liên quan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *