Tin tức

Nhà thầu Việt và giấc mơ làm chủ công nghệ đào hầm đô thị

  • 08.03.2021
  • |
  • 2535 (Lượt xem)

Với doanh nghiệp xây dựng, khả năng làm chủ công nghệ là một trong những yếu tố then chốt tạo nên năng lực cốt lõi trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt. Thực tế cho thấy, nhiều nhà thầu Việt đang góp phần gia tăng tỷ lệ nội địa hóa thị trường xây dựng thông qua việc tham gia ngày càng nhiều vào những dự án yêu cầu cao về công nghệ mà trước đây hầu như do các Tập đoàn nước ngoài phụ trách. Các công trình này đa dạng về loại hình, từ xây dựng dân dụng, xây dựng công nghiệp cho đến hạ tầng giao thông.

Tầm nhìn “Metro”

Đường sắt đô thị (Metro) là một loại hình giao thông hiện đại đã được áp dụng rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới như một giải pháp tối ưu của bài toán ách tắc giao thông, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế thông qua tiềm năng thương mại to lớn từ không gian mới mở rộng theo chiều dọc.

Tại Việt Nam, loại hình giao thông này đang được quan tâm và đầu tư mạnh mẽ trong những năm gần đây tại các đô thị lớn. Hiện nay, 2 dự án Metro đang được triển khai là tuyến Metro số 1 TP.HCM (Bến Thành - Suối Tiên) và tuyến Metro số 3 Hà Nội (Nhổn - Ga Hà Nội) nhận được sự quan tâm lớn của xã hội. Theo quy hoạch được duyệt, TP.HCM có 8 tuyến metro với tổng chiều dài khoảng 220 km. Trong khi đó, theo quy hoạch đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 318 km để kết nối đến các đô thị vệ tinh và vùng ven.

Tiềm năng về không gian ngầm nói chung, không gian ngầm đô thị nói riêng tại Việt Nam là rất lớn, tỷ lệ thuận với dư địa phát triển của mảng công trình ngầm. Tuy nhiên, việc xây dựng các tuyến metro không chỉ đòi hỏi một nguồn vốn rất lớn mà quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, từ vấn đề giải phóng mặt bằng cho đến kỹ thuật, công nghệ.

Trên cương vị lãnh đạo của một nhà thầu xây dựng đang tham gia trực tiếp vào dự án Metro Line 3 Hà Nội, TS Lê Quang Hanh - Phó TGĐ Công ty CP FECON cho biết, doanh nghiệp đã sớm nhận thấy tiềm năng của mảng xây dựng công trình ngầm đô thị và hiểu rằng việc từng bước làm chủ công nghệ mới và khó của thế giới là chìa khoá để tự tin bước vào các dự án quy mô lớn như metro tại các đô thị lớn tại Việt Nam.

Với FECON, tham gia các dự án metro là hướng đi được lên kế hoạch từ năm 2011, giúp doanh nghiệp khẳng định năng lực trên thị trường, từng bước thực hiện mục tiêu trở thành Tập đoàn xây dựng và phát triển hạ tầng hàng đầu Việt Nam. Và hiện nay, FECON đang bước những bước đi vững chắc trong mảng xây dựng này.

 FECON tham gia đào hầm Dự án Metro số 3 TP.HCM

Năm 2017, FECON trở thành nhà thầu Việt Nam đầu tiên được tham gia khâu vận hành robot khoan hầm (TBM) tại tuyến metro số 1 TP.HCM đoạn ngầm từ ga Nhà hát thành phố đến ga Ba Son dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Nhật. Đồng thời FECON cùng đối tác Raito Nhật Bản đảm nhận hầu hết các công việc liên quan xử lý nền đất yếu trên toàn chiều dài đào ngầm của dự án.

Và hiện nay, trên công trường ga S9 – Kim Mã (Dự án Metro số 3 Hà Nội), đội ngũ kỹ sư, công nhân FECON cũng đang tất bật cho công tác lắp ráp robot đào hầm TBM. Sau khi hoàn thiện, FECON sẽ cùng các chuyên gia đến từ Italy trực tiếp vận hành “quái vật khổng lồ” này để đào 2 đường hầm theo quy hoạch Dự án, góp phần hoàn thiện công trình giao thông lớn của Thủ đô.

“Cả 2 Dự án này đều áp dụng robot khiên đào (TBM) - công nghệ đào hầm hiện đại nhất trên thế giới hiện nay và được nhiều nước như Pháp, Italy, Nhật… áp dụng thành công. FECON đang từng bước chứng minh rằng nhà thầu Việt cũng có đủ năng lực làm chủ những công nghệ tiên tiến trên thế giới và hoàn toàn có thể đảm nhiệm những công trình khó như Metro. Nhưng làm thế nào để có thể làm được điều này thì cần một lộ trình dài, đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư một cách bài bản và dài hơi…”, ông Hanh chia sẻ.

Hành trình “chinh phục lòng đất”

Được thành lập bởi một nhóm kỹ sư và chuyên gia đầu ngành về xử lý và thi công nền móng công trình, đến nay, sau 16 năm hoạt động, FECON là số ít nhà thầu sở hữu năng lực xuất sắc về nền móng và công trình ngầm tại Việt Nam.

Để đón đầu nhu cầu của thị trường về các dự án ngầm đô thị, từ năm 2012, FECON đã bắt tay hợp tác với Học viên công nghệ Châu Á (AIT), mỗi năm đào tạo 08 thạc sỹ thực hành về địa kỹ thuật và công trình ngầm, nhằm chuẩn bị một đội ngũ nhân lực có trình độ cao, được đào tạo bài bản, sẵn sàng cho những dự án trong tương lai.

Không dừng lại ở đó, năm 2014, FECON thành lập Công ty Công trình ngầm FECON (FCU), chiêu mộ đội ngũ nhân lực chất lượng là các tiến sỹ, thạc sỹ tốt nghiệp các trường Đại học danh tiếng từ các nước tiên tiến như Pháp, Đức, Nhật, Singapore, Hàn Quốc về Việt Nam làm việc. Lực lượng tài năng quy tụ tại công ty cũng liên tục được đào tạo kỹ năng và tay nghề để thích nghi kịp thời với các công nghệ mà công ty cũng như đối tác đầu tư, trang bị.

Hiện nay, toàn bộ nguồn nhân lực này đều đang trực tiếp tham gia các gói thầu của FECON tại Dự án Metro Line 3 Hà Nội, từ quản lý cho đến kỹ sư, công nhân…

Từ năm 2015, FECON bắt đầu mối quan hệ hợp tác với Raito Kogyo - một trong những tập đoàn xây dựng công trình ngầm hàng đầu Nhật Bản thông qua một thỏa thuận hợp tác thi công công trình ngầm bằng công nghệ Jet Grouting - khoan phụt vữa áp lực cao đường kính lớn tại dự án Metro Line 1 TP.HCM đoạn Bến Thành – Suối Tiên.

Năm 2019, FECON chính thức ký hợp tác chiến lược với Tập đoàn Raito Kogyo nhằm mục đích cộng lực để tiến sâu hơn trong mảng công trình ngầm. Cũng trong năm này, FECON cử một số cán bộ tham gia đào tạo vận hành máy khoan hầm TBM tại Học viện đào tạo Khoan hầm (TTA) thuộc tập đoàn Gamuda (Malaysia) để chuẩn bị cho Dự án Metro số 3 Hà Nội.

 Những bộ phận của chiếc robot đào hầm Dự án Metro số 1 TP.Hà Nội được FECON lắp ráp

Nhìn vào lộ trình này, rõ ràng đó là một sự chuẩn bị dài hơi, mà theo TS Lê Quang Hanh, đó cũng chính là chiến lược phát triển bền vững mà doanh nghiệp đang theo đuổi, tập trung phát triển theo chiều sâu và tạo một nền móng vững chắc để bứt phá thay vì nóng vội, đốt cháy giai đoạn.

“Từ những thành công bước đầu mà FECON đạt được, có thể khẳng định nhà thầu Việt hoàn toàn có khả năng đảm nhiệm “vai chính” trong những dự án đòi hỏi cao về công nghệ kỹ thuật. Việc khẳng định năng lực không chỉ giúp các nhà thầu Việt giành lại thị phần trong nước vốn rất tiềm năng, mà xa hơn là có thể tự tin “mang chuông đi đánh xứ người”, tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào thị trường xây dựng quốc tế, đặc biệt là tại các quốc gia trong khu vực”, ông Lê Quang Hanh chia sẻ.

Theo Báo Nhân Dân

Tin liên quan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *