Tin tức

Robot đào hầm tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội được lắp ráp như thế nào?

  • 05.03.2021
  • |
  • 9159 (Lượt xem)

Hai robot đào hầm (TBM) với tên gọi “Thần tốc” và “Táo bạo” đã và đang hoàn thiện những khâu quan trọng nhất, sẵn sàng cho việc khoan hầm tuyến đường sắt đô thị số 3.

Ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng ban Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, robot đào hầm thứ nhất mang tên “Thần tốc” đã hoàn thiện 100% công việc lắp ráp và vận hành thử, trong khi đó - “Táo bạo” - máy đào hầm thứ hai đã hoàn thiện lắp ráp khoảng 60%.

Trước Tết Nguyên Đán, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) đã phối hợp với nhà thầu lắp đặt xong, tiến hành kiểm tra chạy thử máy TBM thứ nhất có tên “Thần tốc”. Hiện nay, máy đã đảm bảo 100% các bộ phận và cấu kiện đạt tiêu chuẩn vận hành. Trong thời gian tới, nhà thầu FECON sẽ bàn giao TBM này cho chủ đầu tư.

Sau khi hoàn thiện lắp ráp xong, máy TBM sẽ bắt đầu khoan từ ga S9 (Kim Mã) tới ga S12 (ga Hà Nội) ở cuối đường Trần Hưng Đạo với tổng chiều dài là 4km.

Vị trí “lỗ mở” - nơi hạ các cấu kiện của máy đào hầm TBM xuống hầm.

Ông Lê Quang Hanh - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP FECON, nhà thầu phụ trách lắp ráp robot cho biết: “Lắp ráp robot đào hầm TBM là một hạng mục mới tại Việt Nam, đòi hỏi hiểu biết sâu về cấu tạo, nguyên lý hoạt động của loại thiết bị phức tạp này. Tuy nhiên, phần lớn nhân sự trực tiếp lắp ráp robot phục vụ Dự án Đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội đã từng tham gia công việc này tại Dự án Metro Line 1 TP.HCM nên không bị choáng ngợp với thiết bị thi công tối tân này và đã có phương án tối ưu nhất để đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra”.

Các kỹ sư, chuyên gia của nhà thầu FECON - đơn vị phụ trách lắp ráp TBM

Từ đầu tháng 11/2020, các bộ phận của robot số 1 liên tiếp được vận chuyển từ cảng Hải Phòng về nhà ga S9 - Kim Mã. Sau khi hoàn tất công tác kiểm định, nhà thầu lên phương án “bày binh bố trận”, từ việc lựa chọn vị trí hạ hợp lý cho đến phương án nhân sự, phương án an toàn lao động… Hai “mũi” nhân sự được bố trí trên mặt đất và dưới ga hầm, gồm cả đội ngũ chuyên gia, kỹ sư và công nhân, đảm bảo việc điều phối cẩu hạ robot một cách an toàn và chính xác.

Các cấu kiện được tính toán kỹ lưỡng, cẩn trọng khi vận chuyển và lắp ráp

Việc lắp ráp robot đào hầm của tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội được thực hiện tại ga S9, ga ngầm đầu tiên của dự án. Từng cấu kiện của robot được cẩu 500 tấn hạ xuống hầm đáy thông qua lỗ mở. Tại đây, đội ngũ kỹ sư sẽ tiến hành lắp ráp hoàn chỉnh và vận hành thử.

Công tác an toàn lao động là ưu tiên hàng đầu trong quá trình thi công tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn – ga Hà Nội

Dưới đáy hầm, nhà thầu chuẩn bị sẵn hệ thống ray trượt, có vai trò đỡ TBM và trượt ngang TBM từ vị trí lắp đặt vào vị trí khoan, hỗ trợ việc di chuyển TBM trong không gian hẹp.

Đội ngũ kỹ sư Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài luôn phối hợp chặt chẽ, đảm bảo việc lắp ráp robot đạt tiêu chuẩn, đúng theo thiết kế của nhà sản xuất - hãng Herrenknecht (Đức).

Mỗi cấu kiện được hạ xuống, nhà thầu sẽ tiến hành hàn gắn và kết nối các bộ phận lại với nhau.

Những chiếc Bulong khổng lồ có vai trò liên kết 2 nửa Front shield (đầu khiên đào) của TBM. Trước khi lắp ráp, nhà thầu tiến hành kiểm tra và vệ sinh Bulong, đảm bảo từng chi tiết nhỏ nhất cũng phải đạt tiêu chuẩn chất lượng tốt nhất.

Khiên đào với họa tiết cờ đỏ sao vàng nổi bật

Sáng ngày 31/12/2020, khiên đào - bộ phận cuối cùng của robot đào hầm TBM “Thần tốc” đã được hạ xuống tầng đáy ga ngầm S9. Khiên đào với họa tiết cờ đỏ sao vàng nổi bật, có đường kính 6,55m, nặng 63,3 tấn, gồm các bộ phận chính như đầu cắt, lưỡi cào, dụng cụ xới và các răng gàu xúc… được thiết kế phù hợp tối ưu với địa chất của Hà Nội.

TBM được lắp ráp hoàn chỉnh dưới hầm ga S9 - Kim Mã

TBM gồm phần khiên đào và hệ thống phụ trợ phía sau với tổng chiều dài hơn 100m.

Phần phụ trợ gồm buồng điều khiển toàn bộ con “quái vật khổng lồ” nặng 850 tấn. Đây là nơi chuyên gia trực tiếp điều khiển quá trình hoạt động của TBM, bao gồm hệ thống điện, hệ thống vận hành, buồng điều áp, xilanh đẩy, hệ thống vận chuyển đất thải…

Video toàn cảnh quá trình lắp ráp robot đào hầm: https://www.youtube.com/watch?v=owQe3G0lvkM

Gói thầu CP03 - hầm và các ga ngầm là một trong những gói thầu quan trọng nhất của dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội. Phạm vi công việc chính của gói thầu CP03 bao gồm: Đường hầm đôi, ray đơn với đường kính trong 5.7m và chiều dài đường hầm 2,573m; các ga ngầm bao gồm: Ga Kim Mã (Ga 09), Ga Cát Linh (Ga 10), Ga Văn Miếu (Ga 11) và Ga Hà Nội (Ga 12); Đường dốc hạ ngầm; Khu quay đầu/ Gara; Trục cứu nạn.

Nhà thầu chính của gói thầu CP03 là Liên danh Huyndai - Ghella. Nhà thầu phụ FECON là đơn vị tham gia lắp ráp và vận hành robot đào hầm TBM.

Bộ đôi máy TBM được thiết kế riêng cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội. Máy được sản xuất bởi hãng Herrenkecht (CHLB Đức), có chiều dài hơn 100m, nặng khoảng 850 tấn.

  TBM hoạt động trên nguyên lý cân bằng áp lực đất. Phía sau khiên đào được bố trí một vách ngăn kín. Đất từ khiên đào sẽ rơi vào khoang kín và tạo ra sự cân bằng áp lực giữa đất đào và đất chưa đào, làm cho gương đào ổn định và không sạt lở. Áp lực của đất trong khoang cân bằng được theo dõi bởi các thiết bị đặc biệt đặt trực tiếp trong thân máy.

Tin liên quan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *