Tin tức

Vì sao FECON “bắt tay” với Tập đoàn Raito Kogyo của Nhật làm đối tác chiến lược?

  • 09.04.2019
  • |
  • 3665 (Lượt xem)

Mới đây, thông tin Tập đoàn Raito (Nhật Bản) đã ký hợp tác chiến lược, sở hữu 19% cổ phần tại Công ty CP FECON đã thu hút được sự quan tâm của giới tài chính, xây dựng.

Tập đoàn xây dựng hàng đầu Nhật Bản

Theo tìm hiểu, Raito thành lập vào năm 1948, niêm yết trên sàn chứng khoán Tokyo từ 1979, hiện đang là một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại Nhật Bản trong lĩnh vực xây dựng và có hơn 70 năm hoạt động trong lĩnh vực nền móng công trình. 

Thế mạnh của Raito là công nghệ thi công nền móng và công trình ngầm, xử lý mái dốc, xử lý nền đất yếu, cải thiện đất, điều tra và khắc phục các vấn đề về môi trường, sửa chữa và gia cố các công trình… 

Tính đến tháng 3 năm 2018, tổng tài sản thuần hợp nhất  của Tập đoàn này đạt đến 58,7 tỉ Yên (tương đương hơn 12.000 tỉ đồng), doanh thu hợp nhất 100,1 tỉ Yên (tương đương hơn 20.600 tỉ đồng). Không chỉ phát triển mạnh trong ngành xây dựng công trình ngầm tại Nhật, Raito còn tham gia vào thị trường các nước đang phát triển khoảng 10 năm nay trên cơ sở thi công cho các dự án ODA Nhật Bản tại các nước đang phát triển. Ngoài ra, Raito cũng đã và đang thi công các công trình cải tạo nền móng cho các dự án tàu điện ngầm tại Singapore, Đài Loan, Hong Kong.

Vì sao FECON lại “bắt tay” với Tập đoàn Raito Kogyo của Nhật làm đối tác chiến lược? - Ảnh 1.

Công trình thi công của Raito dưới lòng đất

Có thể thấy, việc bắt tay với FECON đã thể hiện tham vọng khá lớn của tập đoàn này, là bước đi mang tính đột phá để phát triển thị trường Việt Nam và mở rộng ra các nước lân cận trên cơ sở phát huy công nghệ tiên tiến của Nhật Bản và tối ưu hóa nguồn lực tại chỗ để tham gia rộng rãi hơn các dự án hạ tầng tại nhiều quốc gia Đông Nam Á.

Bên cạnh việc mua lại toàn bộ lượng trái phiếu chuyển đổi của FECON do Ngân hàng phát triển Nhật Bản (DBJ) đang sở hữu để tăng tỷ lệ góp vốn lên 19% tại FECON, Raito sẽ mua 9.423.828 cổ phiếu tương ứng với 36% vốn điều lệ của Công ty công trình ngầm FECON (FCU). Đây là động thái cho thấy, Raito đang đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng ngầm tại Việt Nam, bởi FECON được cho là nhà thầu tiên phong và hàng đầu trong lĩnh vực này với việc đang triển khai nhiều dự án lớn tại Hà Nội và TP.HCM.

Công nghệ Nhật là nước đi chiến lược của FECON?

Theo giới chuyên môn đánh giá, việc sở hữu và hợp tác này đã thể hiện rõ tham vọng và thế mạnh của hai bên. Cụ thể, FECON sẽ có lợi từ thế mạnh công nghệ của đối tác Nhật, sẽ có lợi thế lớn trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, đặc biệt là xây dựng công trình ngầm và các công nghệ chống sụt lở – một xu hướng mới trong phát triển đô thị hiện đại.

Thực tế, Raito đã triển khai công nghệ hiện đại tại một số công trình tại Việt Nam cách đây 3 năm trước khi có một thỏa thuận hợp tác với FECON, khi thi công công trình ngầm bằng công nghệ Jet Grouting – khoan phụt vữa áp lực cao đường kính lớn tại dự án Metro Line 1 TP. Hồ Chí Minh đoạn Bến Thành – Suối Tiên. Sau đó gần 1 năm họ đã thành lập công ty chung là Công ty cổ phần Địa kỹ thuật tiên tiến RAITO – FECON (RFI). Đến nay công ty này có mức tăng trưởng khá ấn tượng khoảng 30%.

Vì sao FECON lại “bắt tay” với Tập đoàn Raito Kogyo của Nhật làm đối tác chiến lược? - Ảnh 2.

Sự hợp tác này là nước cờ chiến lược của FECON trên hành trình phát triển doanh nghiệp. Bởi mặc dù FECON đã có kinh nghiệm về nền móng và các công trình địa kĩ thuật, tuy nhiên về công trình ngầm FECON cũng giống như các công ty khác tại Việt Nam - mới đang trong những giai đoạn đầu của sự phát triển. Đây là lĩnh vực hoàn toàn mới, vốn gắn liền với thế mạnh công nghệ của các công ty phát triển trên thế giới.

Trong những năm gần đây, việc phát triển không gian ngầm đô thị trở thành xu hướng mới. Đó không chỉ là hệ thống đường dây, đường ống ngầm kỹ thuật, các tuyến đường tàu điện ngầm, bãi để xe, hầm đường ô tô, đường bộ, hệ thống thoát nước ngầm… mà còn là những tổ hợp trung tâm thương mại, sinh hoạt công cộng, vui chơi giải trí, những công trình đa chức năng, thậm chí hướng tới là nơi làm việc, nơi ở cho dân cư đô thị.

Thực tế từ các nước phát triển trên thế giới cho thấy, khi đô thị tăng trưởng đến ngưỡng nhất định, thì sức tải hiện hữu của một số khu vực, trước tiên là khu trung tâm sẽ đạt mức độ tới hạn. Do đó, nhiều thành phố trên thế giới đã phát triển đô thị phía dưới mặt đất.

Tiêu biểu như thành phố Montreal (Canada) có đô thị ngầm RESO với hệ thống đường ngầm dài 32 km kết nối khoảng 80% khu văn phòng và 35% khu thương mại ở trung tâm thành phố. Nhật Bản cũng có mạng lưới đô thị ngầm hiện đại như các khu Tokyo station City, Tokyu station City ở Tokyo hay khu Crysta Nagahori ở Osaka với những diện tích ngầm nhiều km2.

Việt Nam hiện số lượng hệ thống đường ngầm, cống ngầm, bãi đỗ xe ngầm, trung tâm thương mại ngầm… còn đang rất hạn chế cả về số lượng và quy mô. Do vậy, đây được xem là lĩnh vực có nhiều triển vọng tại Việt Nam trong tương lai với sự tăng trưởng và đô thị hóa nhanh. Thị phần này chưa được khai phá, thậm chí là quan tâm đúng mức.

Khác với xây lắp thông thường, yếu tố công nghệ sẽ là một lợi thế rất lớn ở lĩnh vực này. Ví dụ như công nghệ Jet-Grounting & Chemical Grouting của Raito mà FECON triển khai có khả năng phụt hỗn hợp vữa, khí và nước dưới áp suất cao đạt chất lượng vượt trội hơn hẳn, có thể tạo cột với đường kính 3000-3500mm trong khi mức thông thường chỉ 800-1000mm, đặc biệt khả năng chống thấm khẩn cấp của công nghệ Chemical Grouting.

Hay như công nghệ Eco Wall hay còn gọi là tường EC ngắn, là một phương pháp tạo tường ngăn cách dưới nền đất bằng cách trộn đất tự nhiên với vật liệu ngăn cách làm từ khoáng vật sét; Công nghệ RAS-JET thi công trộn sâu cơ giới kết hợp bơm vữa áp lực cao. Phương pháp này tạo cọc đất – xi măng đồng nhất hơn và phạm vi tạo cọc rộng hơn; Công nghệ chống sạt lở…

Theo chia sẻ của lãnh đạo FECON, với thỏa thuận hợp tác giữa hai bên Raito cam kết chuyển giao các công nghệ tiên tiến có thể giúp FECON thi công những dự án đòi hỏi công nghệ và chất lượng cao. Các công nghệ mới và hiện đại này có tính ứng dụng triển khai rộng rãi.

Theo đánh giá kỹ thuật, các công nghệ mới hoàn toàn có thể thay thế công nghệ đang áp dụng đem lại chất lượng cao hơn như RAS-JET có ưu thế vượt trội công nghệ thi công cọc vữa xi măng đất (Cement Deep Mixing – CDM). Công nghệ này có thể ứng dụng chống sạt lở đê kè vốn đang là vấn đề lớn tại Việt Nam.

Theo ước tính của Bộ Tài nguyên Môi trường, Việt Nam có tới 786km khu vực có nguy cơ sạt lở tập trung ở đồng bằng sông Cửu Long như khu vực sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ Tây... Hay như ở phía Bắc có tới 10.266 điểm có nguy cơ sạt lở, trong đó 2.110 điểm có nguy cơ lớn và nguy hiểm.

Hiện FECON có mảng hoạt động truyền thống là thi công là nền và móng, công trình ngầm, hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng. Trong năm 2019 và các năm tới, bên cạnh việc tập trung vào các dự án công trình ngầm đô thị và hạ tầng nói chung, FECON còn tập trung phát triển mảng chống sói lởi, cải thiện mái dốc do tác động của biến đổi khí hậu. Nhiều khả năng việc hợp tác với Raito là bước đi chiến lược tốt nhất để nhà thầu này mở rộng thị trường và chiếm ưu thế trong các mảng ngành nghề chuyên biệt này.  

Tin liên quan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *