• 02432047184
  • @
  • FCN 15:Cập nhật:15:15 T2, 25/11/2024 : 12.55 Khối lượng :
Tin sự kiện

Phí đường bộ BOT qua Hà Nam thấp nhất tuyến quốc lộ 1

  • 20.08.2016
  • |
  • 2697 (Lượt xem)

Để chia sẻ với người dân và các doanh nghiệp vận tải, nhà đầu tư dự án QL1 đoạn tránh TP.Phủ Lý và tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km215+775m đến Km235+885 (tỉnh Hà Nam) đã chủ động đề xuất giảm 30% giá vé cho các loại phương tiện qua trạm thu phí Nam Cầu Giẽ, mức phí thấp nhất so với các trạm thu phí BOT trên tuyến QL1 trong toàn quốc.

Hoàn thành công trình vượt tiến độ gần 5 tháng

Được khởi công tháng 10/2014, công trình xây dựng đường tránh TP.Phủ Lý và tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km215+775m đến Km235+885 là dự án trọng điểm của ngành GTVT triển khai trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Công trình này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc năng cao năng lực vận tải, thúc đẩy phát triển KT-XH, tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường giao lưu kinh tế giữa tỉnh Hà Nam với các tỉnh lân cận trong khu vực Đồng bằng sông Hồng. Bên cạnh đó, dự án còn được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm ùn tắc và TNGT trên tuyến QL1 qua địa bàn tỉnh Hà Nam, nhất là khu vực đi qua TP.Phủ Lý và trị trấn Đồng Văn.

Đến nay, sau chưa đầy hai năm triển khai thi công, dự án có tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu 2.046 tỷ đồng đã hoàn thành, đảo bảm các yêu cầu về mặt kỹ thuật để đưa vào khai thác. Trực tiếp trải nghiệm trên toàn tuyến của dự án từ điểm đầu tại trạm thu phí Nam Cầu Giẽ (xã Duy Minh, huyện Duy Tiên) đến điểm cuối tại nút giao ĐT494 với QL1 (Km 235+885 QL1) sáng 15/8, cảm nhận đầu tiên của PV Báo Giao thông là một con đường mới khang trang, hiện đại. Hai bên đường hàng loạt nhà máy, xí nghiệp đang được máy móc tất bật thi công xây dựng, tạo ra diện mạo mới đầy tiềm năng phát triển cho vùng đất có vị trí đắc địa án ngữ ở cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội.

vlcsnap-2016-07-28-11h41m26s815

Thi công nâng cấp mặt đường Quốc lộ 1A

Suốt hành trình gần 50km, theo quan sát của chúng tôi, toàn bộ mặt đường dự án trên cả tuyến tránh TP.Phủ Lý và đoạn tăng cường QL1 trên địa phận tỉnh Hà Nam đã được thảm đầy đủ hai lớp bê tông nhựa, hệ thống biển báo ATGT, sơn kẻ vạch đã cơ bản hoàn thiện. Khác hẳn với cảnh tượng trước kia mặt đường xuống cấp đầy rẫy ổ voi, ổ gà, trở thành nỗi ám ảnh với người dân mỗi khi lưu thông trên QL1 qua TP.Phủ Lý, giờ đây, tuyến đường đã được “thay áo mới” mang dáng dấp của một công trình hiện đại, được ví như tấm “dải lụa” vắt ngang thành phố ngã ba sông Đáy, sông Nhuệ và Châu Giang.

Chứng kiến diện mạo mới của tuyến đường, nhiều người dân địa phương nơi dự án đi qua không giấu nổi niềm vui khi việc đi lại ngày càng thuận tiện. Anh Lê Đức Tuấn, lái xe của một doanh nghiệp vận tải đóng trên địa bàn huyện Thanh Liêm (Hà Nam) chia sẻ: “Trước đây, tuyến QL1 qua Hà Nam xuống cấp nghiêm trọng, mỗi lần chở hàng từ Thanh Liêm đi hướng cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ về Hà Nội rất khó khăn, nhất là đoạn qua khu vực của TP.Phủ Lý thường xuyên xảy ra dồn ứ giao thông. Đến nay, tuyến đường đã được nâng cấp và xây dựng mới thêm tuyến tránh qua TP.Phủ Lý đã giúp các phương tiện lưu thông nhanh hơn, êm thuận hơn và an toàn hơn rất nhiều”.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Võ Trang Thắng, Phó Tổng giám đốc Công ty ty CP Đầu tư hạ tầng FCC (nhà đầu tư) cho biết, dự án đầu tư xây dựng QL1 đoạn tránh TP.Phủ Lý và tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km215+775m đến Km235+885 (tỉnh Hà Nam) có tổng chiều dài 43,4km đi qua địa phận các huyện Duy Tiên, Kim Bảng, Thanh Liêm và TP.Phủ Lý. Trong đó, hợp phần tuyến tránh TP.Phủ Lý được xây dựng mới với chiều dài 23,3km theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, nền đường rộng 12m, gồm 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp với vận tốc thiết kế 80km/h. Hợp phần QL1 đoạn Km215+775m đến Km235+885 được tăng cường theo tiêu chuẩn thiết kế đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h, mặt đường cấp cao A1.

“Theo hợp đồng giữa nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền, dự án sẽ hoàn thành vào tháng 12/2016. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ GTVT, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng và nỗ lực thi công của các nhà thầu, đến nay, toàn bộ các hạng mục chính của dự án đã hoàn thành, vượt tiến độ gần 5 tháng so với hợp đồng, đảm bảo các điều kiện đưa vào khai thác, sử dụng”, ông Thắng nói.

Giảm 30% giá vé

Tương tự các công trình hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng bằng hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), sau khi công trình hoàn thành đưa vào khai thác, nhà đầu tư sẽ tiến hành thu phí để hoàn vốn. Căn cứ theo các quy định hiện hành, ngày 3/3/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 44 quy định mức thu, chế độ nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ trạm thu phí Nam Cầu Giẽ để hoàn vốn cho dự án xây dựng đường tránh TP.Phủ Lý và tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km215+775 đến Km235+885, tỉnh Hà Nam.

Cụ thể, mức phí sử dụng đường bộ đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng qua trạm Nam Cầu Giẽ là: 25.000 đồng/vé/lượt, 750.000 đồng/vé/tháng và 2.025.000 đồng/vé/quý; xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn là: 40.000 đồng/vé/lượt, 1.200.000 đồng/vé/tháng và 3.240.000 đồng/vé/quý,…

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng ban PPP (Bộ GTVT) khẳng định: “Mức thu phí sử dụng đường bộ đối với các loại phương tiện qua trạm thu phí Nam Cầu Giẽ hiện nay là mức thấp nhất so với các trạm thu phí BOT trên toàn tuyến QL1. Theo tính toán, giá vé của 3 loại vé lượt, vé tháng và vé quý của trạm Nam Cầu Giẽ giảm tới 30% so với giá vé các trạm BOT đang thu phí trên QL1”.

Chia sẻ về điều này, ông Muôn Văn Chiến, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng FCC cho biết, ngay từ thời điểm xây dựng phương án tài chính, doanh nghiệp dự án đã tính toán và chủ động đề xuất mức thu phí đối với tất cả các loại phương tiện qua trạm ở những mức thấp theo khung quy định của Thông tư 159/2013 của Bộ Tài chính để trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

“Việc chủ động đề xuất giảm giá vé 30% cho các phương tiện so với các trạm thu phí BOT khác trên tuyến QL1 chắc chắn ảnh hưởng đến doanh thu của dự án và nhà đầu tư sẽ chịu thiệt thòi bởi thời gian hoàn vốn sẽ kéo dài hơn. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi ngay từ khi tham gia đầu tư vào dự án hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư là làm sao để đảm bảo hài hòa lợi ích của cả ba bên nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng”, ông Chiến nói và cho biết thêm, để chuẩn bị công tác thu phí hoàn vốn dự án, hiện nay, nhà đầu tư đã tiến hành xây dựng, lắp đặt xong thiết bị kỹ thuật, hệ thống chiếu sáng tại trạm thu phí Nam Cầu Giẽ. Trong tổng số 6 cửa thu phí tại trạm Nam Cầu Giẽ đã có 4 cửa được lắp đặt các thiết bị kỹ thuật áp dụng công nghệ thu phí tự động không dừng theo yêu cầu của Bộ GTVT. “Trước khi dự án đi vào thu phí chính thức, chúng tôi sẽ tiến hành thu phí thử nghiệm không thu tiền để các nhân viên thu phí nắm vững quy trình thu phí thực tế, kỹ năng thực hành, kỹ năng giao tiếp với khách hàng,…”, ông Chiến cho hay.

IMG_9159

Công trình đoạn tránh TP. Phủ Lý sắp được đưa vào hoạt động

Dự án đầu tư xây dựng đường tránh TP.Phủ Lý và tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km215+775m đến Km235+885, tỉnh Hà Nam được thực hiện theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu 2.046 tỷ đồng do liên danh Công ty Cổ phần Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm FECON, Công ty Cổ phần Xây dựng Cotec (Coteccons) và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) làm nhà đầu tư.

Biểu mức thu phí sử dụng đường bộ tại trạm thu phí Nam Cầu Giẽ, QL1, tỉnh Hà Nam theo Thông tư 44 ngày 3/3/2016 của Bộ Tài chính:

TT Phương tiện chịu phí đường bộ Mệnh giá (đồng/vé)
Vé lượt Vé tháng Vé quý
1 Xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng    25.000    750.000    2.025.000
2 Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn    40.000    1.200.000    3.240.000
3 Xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn    60.000    1.800.000    4.860.000
4 Xe  tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn và xe chở hàng bằng Container 20 fit    75.000    2.250.000    6.075.000
5 Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng Container 40 fit    120.000    3.600.000    9.720.000

Đình Quang (Theo Báo Giao thông)

Tin liên quan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *