• @
  • FCN 15:Cập nhật:15:15 T4, 22/01/2025 : 14.80 Khối lượng :
Tin tức

ĐHĐCĐ bất thường FECON: Thông qua việc huy động vốn, ưu tiên cổ đông hiện hữu

  • 19.08.2017
  • |
  • 8220 (Lượt xem)

Sáng ngày 19/08, CTCP FECON (HOSE: FCN) đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường thông qua kế hoạh phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ.

Chào bán 60,5 triệu cp huy động hơn 1.000 tỷ đồng cho các dự án lớn.

Cụ thể, cổ đông đã thông qua phương án chào bán 33 triệu cp cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 100:60 với giá phát hành là 15.000 đồng/cp, thời gian thực hiện trong quý III/2017 sau khi được UBCKNN chấp thuận, dự kiến thu về 495 tỷ đồng.

Chủ tịch Phạm Việt Khoa điều hành Đại Hội

Đồng thời, FCN cũng sẽ phát hành 2,5 triệu cp theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP) với giá chào bán là 10.000 đồng/cp, dự kiến thu về 25 tỷ đồng. Toàn bộ số lượng cổ phiếu ESOP sẽ được chuyển nhượng 50% sau 1 năm và 50% còn lại được chuyển nhượng sau 2 năm kể từ thời điểm kết thúc đợt phát hành.

FCN cũng sẽ phát hành riêng lẻ 25 triệu cp cho các đối tác chiến lược là nhà đầu tư trong và ngoài nước, là khách hàng hoặc đối tác cam kết hỗ trợ Công ty và có năng lực tài chính mạnh… Giá chào bán sẽ không thấp hơn 22.000 đồng/cp và thời hạn nắm giữ của cổ đông chiến lược là 1 năm kể từ thời điểm kết thúc đợt phát hành.

Mục đích của đợt phát hành là tăng vốn cho 2 công ty thành viên là CTCP FECON South và CTCP FECON UCC, đồng thời huy động vốn đầu tư các dự án hạ tầng giao thông và hạ tầng năng lượng theo hình thức BOT, BT, PPP trong giai đoạn 2017-2020 và bổ sung vốn lưu động.

 

Đại hội cổ đông bất thường FECON 2017

Lãi ròng có thể đạt 524 tỷ đồng vào năm 2020

Liên quan đến kế hoạch kinh doanh của Công ty, Ban lãnh đạo cho biết, trong 4 năm tới, Công ty dự kiến doanh thu sẽ tăng trưởng trung bình 34%/năm và lợi nhuận khoảng tăng khoảng 7%/năm.

Theo đó, đến năm 2020, doanh thu của Công ty sẽ chạm mức 6.454 tỷ đồng và lãi ròng khoảng 524 tỷ đồng.

Tại Đại hội, cổ đông đã lo ngại với kết quả của Công ty trong nửa đầu 2017 (chỉ lãi ròng 57 tỷ đồng trong 6 tháng) liệu FCN có thể hoàn thành chỉ tiêu đề ra hay không?

Giải đáp cổ đông, Ban lãnh đạo cho biết, phần lớn doanh thu và lợi nhuận của Công ty sẽ tập trung vào nửa cuối năm 2017, thông thường lãi của nửa đầu năm chỉ chiếm khoảng 30% lãi cả năm. Vì thế, kế hoạch của Công ty là có thể thực hiện được.

Trong 6 tháng 2017, FCN đã ký được nhiều hợp đồng với tổng trị giá lên hơn 2.000 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là các gói thầu từ tổng thầu Hyundai-Ghella tại dự án Metro số 3 đoạn Nhồn Ga Hà Nội với tổng giá trị lên tới hơn 300 tỷ đồng và 200 tỷ đồng đến từ các gói thầu tại nhà máy Thép Hòa Phát Dung Quất và bột giấy Quảng Ngãi. Công ty hiện đã tham gia vào dự án Thép Hòa Phát Dung Quất trong quý II/2017.

Ban lãnh đạo cũng cho biết, với dự án BOT Phủ Lý, Công ty sắp hoàn thành thoái vốn. Hiện Bộ giao thông đang tập hợp và ra quyết đinh, hy vọng một vài tuần tới sẽ nhận được quyết định. FCN sẽ giữ lại một nửa vốn tại dự án BOT Phủ Lý và sẽ thoái khi cần thiết nhưng giá phải tốt hơn.

Về hiệu quả các dự án mà FCN đầu tư, ông Phạm Việt Khoa – Chủ tịch HĐQT cho rằng, tham gia hạ tầng nên việc vòng đời dự án dài và thu hồi lâu là không thể tránh được.

Với các dự án mà FCN thi công, làm nhà thầu khi hoàn thành có lợi nhuận ngay nhưng lại không cao, do cạnh tranh rất gay gắt với các nhà thầu nước ngoài từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Vì thế, FCN quyết định “đi bằng 2 chân”, vừa thi công vừa đầu tư. Ví dụ điển hình là dự án BOT Phủ Lý, FCN đầu tư 150 tỷ nhưng được thi công tới 500 tỷ và đạt lợi nhuận 11%. Khi chuyển nhượng cho đối tác nước ngoài giá 1.5 gần như đã thu hồi vốn.

Tất cả các tờ trình trình bày tại ĐH Cổ đông lần này đều được thông qua với tỷ lệ trên 99%

Mong sự đồng hành lâu dài từ Cổ đông

Tại ĐH Cổ đông bất thường, một số ý kiến của cổ đông đã được ghi nhận. Một cổ đông đề xuất, trong số cổ phiếu phát hành cho cổ đông nên thực hiện chào bán một nửa với giá 15.000 đồng/cp, nửa còn lại nên phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông để tạo niềm tin và động lực cho cổ đông đồng hành với Công ty.

Ghi nhận ý kiến của cổ đông, ông Phạm Việt Khoa – Chủ tịch HĐQT của FECON cho biết, phương án phát hành cổ phiếu thưởng cũng đã được nghĩ đến trong quá trình bàn thảo. Tuy nhiên trong trường hợp này giá sẽ khác. Mục tiêu của việc phát hành là để có tiền thực hiện những dự định của Công ty. Vì thế, sau khi cân nhắc, HĐQT đã đưa ra phương án chào bán trình lên cổ đông. Ông Khoa cũng cho biết sẽ ưu tiên chào bán cho cổ đông hiện hữu, sau đó mới làm việc với cổ đông chiến lược để chào bán riêng lẻ.

Ban lãnh đạo cho hay, hiện chưa được phép tiết lộ cổ đông chiến lược nhưng có ít nhất 3 đối tác nước ngoài quan tâm đến FECON và Công ty sẽ cần lựa chọn.

Lý giải về việc quyết định tổ chức ĐHCĐ bất thường để lấy ý kiến cổ đông về vấn đề này, ông Phạm Việt Khoa cho biết, trước cơ hội đầu tư vào hàng loạt các dự án lớn về hạ tầng giao thông và hạ tầng năng lượng, trong khi vốn lưu động của FCN hiện còn hạn chế.

Chia sẻ với Đại hội, ông Phạm Việt Khoa mong muốn cổ đông đồng hành lâu dài với công ty và ủng hộ trong giai đoạn bứt phá vốn của FCN trong giai đoạn này, nhằm đón cơ hội đến. Theo ông Khoa nếu như không có vốn, hiệu quả kinh doanh của công ty sẽ bị giảm sút, giá cổ phiếu xuống thì lợi ích của cổ đông cũng sẽ bị ảnh hưởng. Ông Khoa cam kết nếu nắm bắt được cơ hội đầu tư thì trong 2 năm tới công ty sẽ khác. EPS của công ty không phải là 3.000 như hiện tại mà có thể sẽ là 4000 - 5000 đồng/cp.

Tin liên quan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *