Tin dự án

FECON – xử lý nền đất yếu bằng phương pháp cố kết chân không: bài toán tiến độ và hiệu quả

  • 10.05.2012
  • |
  • 4342 (Lượt xem)
Công nghệ xây dựng trong những năm gần đây có những bước phát triển rất mạnh. Nhiều dự án, công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả làm thay đổi diện mạo đất nước, trong đó phải kể đến việc áp dụng công nghệ xây dựng mới góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công và mang lại hiệu quả cao trong xây dựng.

Một trong những công nghệ xây dựng mới hiện đang được áp dụng khá phổ biến trong việc xử lý nền đất yếu trong thi công xây dựng các nhà máy lớn, bến cảng, đường giao thông, khu đô thị, hạ tầng khu công nghiệp … là công nghệ cố kết nền đất yếu bằng phương pháp hút chân không.

Vacuum_pump

Lựa chọn phương pháp xử lý nền đất yếu

Trong lĩnh vực xử lý nền đất yếu cho công trình xây dựng công nghiệp và hạ tầng… đã có nhiều phương pháp được áp dụng như nhóm giải pháp gia cường đất bằng cách đưa vào đất những trụ vật liệu có cường độ cao hơn (trụ xi măng đất, xi măng vôi đất, trụ đá hay cọc cát đầm chặt) và nhóm giải pháp thoát nước thẳng đứng kết hợp với gia tải trước (giếng cát, bấc thấm). Trong nhóm thứ hai có hai phương pháp gia tải là chất tải trực tiếp và chân không. Theo nghiên cứu, thì với điều kiện địa hình, địa chất tại Việt Nam có rất nhiều vùng thuộc loại nền đất yếu với độ sâu lớn đến hàng chục mét bùn như vùng châu thổ Sông Hồng, BĐSCL, các khu vực ven sông, ven biển. Về nguyên lý của phương pháp gia tải trước để sử dụng cho loại nền đất yếu này là ép nước trong đất ra ngoài làm cho đất chặt lại bằng cách dùng tải trọng ép vượt quá tải trọng sử dụng sau này, có kể đến tải bù lún. Phương pháp chất tải trực tiếp trong việc xử lý nền đất yếu thông thường so với gia tải chân không có nhiều bất cập như việc cần khối lượng đất gia tải lớn cộng với việc vận chuyển lớp đất gia tải cũng như dỡ tải sau khi kết thúc làm tăng thời gian thi công  (thông thường thời gian giữ tải là từ 9 – 12 tháng). Với sự phát triển mạnh về công nghệ và sự ứng dụng nhanh trong xây dựng, hiện nay, phương pháp xử lý nền đất yếu bằng công nghệ cố kết chân không đang được đánh giá là phương pháp hiệu quả so với những phương pháp thông thường. Bởi nó đáp ứng được cùng một lúc bốn tiêu chí quan trọng là rút ngắn thời gian thi công, giảm giá thành, đảm bảo chất lượng và bảo vệ môi trường.
Ở Việt Nam, phương pháp xử lý nền đất yếu bằng cố kết chân không lần đầu được áp dụng tại cụm công trình khí điện đạm Cà Mau vào năm 2002 bởi một nhà thầu Pháp với giá thành khá cao. Chỉ đến năm 2008, khi mà Công ty đầu tiên của Việt Nam là Cty CP Kỹ thuật nền móng và công trình ngầm FECON trực tiếp thi công, đưa công nghệ này vào dự án nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 với giá bằng 40% của nhà thầu Pháp thì bài toán giá thành cho phương pháp thi công này mới được giải quyết, phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam. Sau khi thành công với dự án này thì nhiều dự án trọng điểm khác đã áp dụng được và triển khai thành công như: Nhà máy xơ sợi tổng hợp polyester Đình Vũ (Hải Phòng), Công trình Kho lạnh LPG Thị Vải (Bà Rịa Vũng Tàu), Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 (Sóc Trăng), Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1(Trà Vinh), Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Khu liên hợp thép Formosa Hà Tĩnh, dự án đường cao tốc Hồ Chí Minh Long Thành – Dầu Giây…

Sự thừa nhận

Là Chủ đầu tư dự án đã thành công trong việc áp dụng xử lý nền đất yếu bằng phương pháp cố kết chân không, Ông Hoàng Xuân Quốc (TGĐ Cty CP điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2) cho biết: Xử lý nền là một vấn đề rất quan trọng trong lĩnh vực xây dựng, không chỉ riêng ở nước ta mà cả trên thế giới. Trong xử lý nền, ngoài việc phải đạt yêu cầu kỹ thuật thì cần đảm bảo 2 vấn đề quan trọng là tiến độ và giá thành và 2 vấn đề này thường mâu thuẫn với nhau. Vì nếu giá thành thấp thì thời gian kéo dài bằng phương pháp thi công truyền thống và ngược lại, chúng ta muốn rút ngắn quá trình cố kết của đất thì phải dùng công nghệ hiện đại hơn do đó, cần máy móc thiết bị đặc biệt cũng như cần người kỹ sư, công nhân có tay nghề cao hơn. FECON đã đưa được phương pháp xử lý nền bằng hút chân không kết hợp gia tải. Đây được coi là một thành tựu rất quan trọng trong việc sử dụng các công nghệ tiên tiến do các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện.

Tự hào là đơn vị Việt Nam đi tiên phong áp dụng thành công phương pháp xử lý nền đất yếu bằng cố kết chân không, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty FECON – ông Phạm Việt Khoa cho biết: Việt Nam cũng như một số nước có nhiều sông biển trên thế giới với diện phân bố của đất yếu rộng khắp. Việc xử lý nền có vai trò quan trọng để giảm tối đa hiện tượng lún, nứt giúp cho công trình bền vững với thời gian.  Sở dĩ công nghệ xử lý nền bằng cố kết chân không được áp dung ngày càng phổ biến như vậy là do hàng loạt ưu điểm vượt trội của nó so với các công nghệ truyền thống, đó là: đột phá về mặt tiến độ, chất lượng được kiểm soát tuyệt đối, thân thiện môi trường, sử dụng tối thiểu vật liệu và giá thành hợp lý.

Không thể phủ định được những ưu điểm vượt trội mà phương pháp xử lý nền bằng cố kết chân không mang lại, nhưng phương pháp này cũng có những giới hạn nhất định về điều kiện địa chất, với những khu vực có lớp cát nằm xen kẹp trong đất yếu ở độ sâu lớn hơn 20 m thì phương pháp này chưa hoàn toàn phù hợp… Mới được giới thiệu tại nước ta được gần 10 năm trở lại đây, nên phương pháp xử lý nền bằng cố kết chân không vẫn có khó khăn nhất định trong quá trình lan tỏa tại thị trường trong nước. Một trong những khó khăn quan trọng là việc thay đổi thói quen của người thiết kế, khi họ đã sử dụng các phương pháp truyền thống để xử lý nền hàng chục năm nay. Đó còn chưa kể đến việc cạnh tranh gay gắt với nhiều nhà thầu nước ngoài như Thái Lan, Trung Quốc về mặt giá thành. Chính vì thế, một đơn vị tư nhân trong nước đi đầu cho phương này như FECON cũng đang phải nỗ lực không ngừng để phổ biến công nghệ và giảm giá thành nhằm tiếp cận ngày càng nhiều hơn các dự án trong nước, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông quan trọng.

Rất nhiều công trình đã và đang được xử lý nền bằng phương pháp mới được ra đời cho thấy việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong xây dựng có ý nghĩa quan trọng, mang lại lợi ích kinh tế cho xã hội, cho chất lượng công trình và bảo vệ môi trường. Nhận định về vấn đề này, ông Phạm Tiến Văn – Phó Cục trưỏng Cục Giám định Nhà nước về CLCTXD, cho biết: Giải pháp xử lý nền đất yếu bằng cố kết chân không trong những năm gần đây đã được các nhà thiết kế quan tâm ngay từ đầu. Một số dự án như khu Depo công trình đường sắt đô thị hay một số đoạn trên đường cao tốc Long thành Dầu Giây đã đưa vào thiết kế giải pháp xử lý nền đất yếu bằng phương pháp gia tải chân không thay cho phương pháp xử lý nền ban đầu là cọc xi măng đất hoặc bấc thấm và đất gia tải. So với một số giải pháp xử lý nền khác thì giải pháp này có ưu điểm vượt trội là giảm thời gian và giảm giá thành trong khi chất lượng được kiểm soát tốt, phù hợp với các dự án hạ tầng rất cần đẩy nhanh tiến độ như điều kiện nước ta hiện nay.

(Nguồn: Báo Xây dựng điện từ – PV Hà Ngọc)

Tin liên quan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *