Tin sự kiện

FECON cam kết đồng hành tìm ra các giải pháp tối ưu chống sạt lở, lũ quét

  • 16.10.2017
  • |
  • 2485 (Lượt xem)

Ngày 14/10/2017 vừa qua, Ủy ban dân tộc đã tổ chức Hội thảo Sạt lở đất – Lũ quét và giải pháp cho sự phát triển bền vững trong bối cảnh tình trạng sạt lở đang diễn ra nghiêm trọng nhiều ngày qua tại khu vực miền núi phía Bắc

Thông qua nhận định, đánh giá và tham luận của các chuyên gia trong và ngoài nước, Hội thảo đã đưa ra các thực trạng, giải pháp phòng, chống và xử lý sạt lở đất, lũ quét tại Việt Nam bằng các công nghệ hiện đại mang tính bền vững.

Phòng chống sạt trượt – vấn đề cấp bách cần xử lý

Theo thống kê từ Ban chỉ đạo TW về phòng chống thiên tai, từ năm 2000 đến năm 2015, cả nước đã ghi nhận trên 250 đợt lũ quét, sạt lở, làm chết và mất tích hơn 646 người và bị thương 351 người, hơn 9.700 ngôi nhà bị hư hỏng, nhiều công trình dân sinh, giao thông, thủy lợi bị hư hại, thiệt hại về kinh tế ước tính trên 3.300 tỷ đồng. Tại 10 tỉnh miền núi phía Bắc, có 10.266 điểm có nguy cơ sạt lở đất và 2.110 điểm có nguy cơ khối lượng trượt lớn, rất lớn và đặc biệt lớn. Chỉ tính riêng trong đợt mưa lũ lịch sử diễn ra từ ngày 10/10 vừa qua, đã có gần 50 người thiệt mạng, nâng tổng số người chết do sạt lở, lũ quét từ đầu năm 2017 đến nay lên hơn 100 người.

Hội thảo thu hút truyền thông và nhiều người quan tâm

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi là địa bàn thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, đặc biệt là sạt lở đất, lũ quét, gây thiệt hại nghiêm trọng cho bà con về người của. Vì vậy, bên cạnh việc lập quy trình cảnh báo và sơ tán, cần xử lý nguyên nhân gây sạt lở, lũ quét, gia cố, chống lại việc gây sạt – trượt bằng các giải pháp công nghệ mang tính bền vững.

Tính bền vững trong phòng chống sạt trượt – góc nhìn của chuyên gia

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đinh Quế Hải nhấn mạnh: Để đưa ra được các giải pháp bền vững nhằm giảm thiểu thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét gây ra, cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành và địa phương trong phòng chống thiên tai. Các địa phương phải chủ động rà soát, di dời các hộ dân sống ở nơi nguy hiểm đến nơi an toàn, xây dựng đề án ổn định dân cư, kết hợp sinh kế bền vững gắn với bảo vệ và phát triển rừng ở vùng dân tộc và miền núi. Các doanh nghiệp, các nhà khoa học cần đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng nhằm cung cấp các giải pháp công nghệ xử lý đối với địa bàn có nguy cơ sạt lở đất cao, đảm bảo bền vững, hợp lý cả về kỹ thuật và kinh phí. Ủy ban Dân tộc sẽ có kế hoạch đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về Dự án bố trí sắp xếp dân cư, quy hoạch dân cư trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi để giảm thiểu thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất trong thời gian tới.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Đinh Quế Hải phát biểu tại Hội thảo

Tham gia Hội nghị, TS Shinro Abe - chuyên gia cao cấp địa kỹ thuật của Công ty Okuyama Boring, Nhật Bản - cho biết, mỗi năm Nhật Bản xảy ra 1.000-1.500 trận sạt lở đất làm vài chục người chết. Cách đây 20 năm, Nhật Bản thường khắc phục luôn sự cố sạt lở mà không khảo sát kỹ tính chất khối trượt nên khối trượt tái hoạt động khiến việc xử lý không hiệu quả. Hiện nay, Nhật Bản thực hiện khảo sát kỹ trước khi khắc phục để có biện pháp xử lý hiệu quả, bền vững dù chi phí khảo sát chiếm 15-20% chi phí khắc phục.

Ở khía cạnh khác, ông cảnh báo: con đường bị sạt taluy âm thì người Việt thường đào vào taluy dương để thông xe. Điều này có thể gây ra vụ sạt trượt có hậu quả lớn hơn.

TS Shinro Abe - chuyên gia cao cấp địa kỹ thuật của Công ty Okuyama Boring chia sẻ kinh nghiệm về việc xử lý chống sạt trượt tại Nhật Bản

"Ở Việt Nam khi thi công các mặt dốc thường dùng thiết bị đào từ dưới lên trên. Cách làm này dễ gây mất ổn định của khối đất gây sạt trượt. Chúng tôi khuyến khích đào từ bên trên đào xuống" - ông Shinro Abe khuyến cáo.

PGS.TS Vũ Mạnh Lợi, nguyên Phó viện trưởng Viện xã hội học - Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cảnh báo nguyên nhân khác, đó là: phá rừng đầu nguồn, khai thác khoáng sản đào bới lung tung, không đánh giá tác động tiêu cực môi trường; xây dựng cầu đường chưa đánh giá hết tác động môi trường làm nguy cơ sạt lở đất, lũ quét tăng cao; xây nhà ở khe suối, chân đồi, vùng trũng ngập... đều tạo ra nguyên cơ.

Phát biểu tại buổi Hội thảo, chủ tịch HĐQT Công ty CP FECON – đơn vị hỗ trợ tổ chức Hội thảo, nhấn mạnh, với tư cách là doanh nghiệp chuyên sâu trong lĩnh vực nền móng và công trình ngầm, FECON cam kết sẽ đồng hành cùng chính phủ, bộ ban ngành các cấp tại địa phương để tìm ra các giải pháp tối ưu trong việc chống sạt lở, lũ quét. Đồng thời, ông cũng bày tỏ mong muốn các cấp chính quyền từ bộ ngành đến địa phương nâng cao nhận thức dành nguồn lực cho việc phòng chống sạt lở này.

Ông Phạm Việt Khoa - Chủ tịch HĐQT Công ty CP FECON - cam kết đồng hành cùng chính phủ, bộ ban ngành các cấp tìm ra các giải pháp tối ưu trong việc chống sạt lở, lũ quét

Theo Thứ trưởng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đinh Quế Hải, những chia sẻ kinh nghiệm của những chuyên gia, đơn vị trong nước, quốc tế tại hội thảo sẽ được ghi nhận để cơ quan chức năng có giải pháp phù hợp chống sạt lở đất cho Việt Nam, nhất là ở khu vực miền núi phía Bắc.

 

Tin liên quan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *