Sau khi trở thành một trong hai cổ đông chiến lược của Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), Công ty cổ phần Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm FECON luôn coi việc hợp tác phát triển với TEDI là một trong những ưu tiên hàng đầu, đặc biệt trong vấn đề nghiên cứu khoa học công nghệ và hợp tác đào tạo. Vào trung tuần tháng 7 vừa qua, ban lãnh đạo và đại diện các đơn vị thành viên của FECON và TEDI đã có buổi làm việc phối hợp công tác và trao đổi với nhau về các kế hoạch hợp tác giữa hai công ty trong thời gian tới, trong đó đặc biệt lưu ý lập kế hoạch cụ thể cho việc phối hợp nghiên cứu khoa học công nghệ, hợp tác đào tạo và khai thác phòng thí nghiệm của hai bên.
Bắt tay nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ FECON có thế mạnh về nghiên cứu khả năng ứng dụng các công nghệ tiên tiến sử dụng trong việc xây dựng nền móng và công trình ngầm, điều này cũng phù hợp với định hướng phát triển trong thời gian tới của TEDI. Bên cạnh việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng thành công một số công nghệ như: cọc bê tông ly tâm dự ứng lực, xử lý nền đất yếu bằng công nghệ cố kết chân không, xử lý nền bằng cọc cát đầm chặt, xử lý nền bằng công nghệ khoan phụt cao áp (jet grouting), thí nghiệm cọc trên song bằng hệ thống neo…, sắp tới, FECON mong muốn cùng TEDI nghiên cứu khả năng ứng dụng công nghệ mới về thiết kế và thi công kết cấu hạ tầng, bao gồm: công nghệ cọc khoan xoắn, công nghệ chắn giữ và đào hầm trong đô thị, các cải tiến liên quan đến kết cấu mặt đường bê tông nhựa để áp dụng vào một số dự án giao thông cụ thể mà FECON và đối tác của FECON tham gia đầu tư.
Như vậy, sự phối hợp giữa TEDI và FECON là sự phối hợp giữa nhà đầu tư, nhà thiết kế và nhà công nghệ, để đảm bảo mang lại lợi ích cho các dự án đầu tư và mang đến kinh nghiệm sự phát triển mạnh mẽ trên nền tảng Khoa học công nghệ cho hai bên.
Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực FECON cho rằng hiểu biết về địa kỹ thuật đóng một vai trò rất quan trọng đối với các kỹ sư thiết kế các công trình hạ tầng giao thông, tuy nhiên hiện tại việc này chưa được coi trọng một cách đúng mức tại Việt Nam. Vì vậy, để cùng nhau hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, FECON đã chia sẻ với TEDI một số khóa học đào tạo thạc sĩ địa kỹ thuật thực hành mà công ty đã và đang phối hợp với Viện công nghệ Châu Á (AIT) từ 3 năm nay; cũng như đề nghị tổ chức một số khóa đào tạo chung cho nguồn nhân lực của cả 2 công ty để nâng cao năng lực của kỹ sư khảo sát, kỹ sư thiết kế và kỹ sư thi công cho các loại công trình liên quan nhiều tới Địa kỹ thuật và Công trình ngầm. FECON cũng rất đề cao sự hợp tác giữa TEDI và công ty Oriental Consultants Co., LTD và cho rằng cần khai thác mối quan hệ tiềm năng này trên khía cạnh đào tạo chuyên môn công trình ngầm nói chung và hầm giao thông đô thị nói riêng để có thể nhanh chóng cập nhật những kiến thức, công nghệ cấp tiến nhất của thế giới áp dụng cho xây dựng hạ tầng tại Việt Nam. Trong ngành giao thông, TEDI vẫn được coi là “lò luyện nhân tài” khi rất nhiều các kỹ sư xây dựng danh tiếng đều xuất phát và trưởng thành từ đây. Chủ tich HĐQT Phạm Việt Khoa cũng từng xuất than từ “lò luyện” này trước khi tách ra phát triển thương hiệu FECON. Đây cũng là một trong các lý do FECON rất đề cao và coi trọng việc hợp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với một doanh nghiệp “lão làng” trong ngành Tư vấn xây dựng tại Việt Nam như TEDI.
Chia sẻ và khai thác phòng thí nghiệm Hiện tại, FECON có phòng thí nghiệm địa kỹ thuật đạt yêu cầu Quốc Tế đang hoạt động rất tốt dưới sự hỗ trợ tư vấn của tiến sĩ Seah đến từ AIT. Tuy nhiên phòng thí nghiệm này thường xuyên quá tải do khối lượng công việc từ các dự án mà FECON đưa về quá lớn. Trong khi đó, phòng thí nghiệm của TEDI hiện đang thu hút được nhiều nhân sự chất lượng cao, và hai bên có thể huy động lẫn nhau để tận dụng tối đa công suất của mỗi Phòng.
Vì vậy, FECON đề nghị nhận được sự hỗ trợ từ phòng thí nghiệm của TEDI để chia sẻ khối lượng công việc, đồng thời nhận được chia sẻ công việc của TEDI trong những thời gian nhàn rỗi. Việc hợp tác này có thể huy động tối đa nguồn lực và sử dụng tối đa công suất của phòng thí nghiệm để nâng cao năng suất của cả hai bên, đồng thời giúp công việc nghiên cứu được tiến hành thuận lợi và hiêu quả hơn. Trên tinh thần tin cậy, hỗ trợ lẫn nhau, việc hợp tác giữa FECON và TEDI không những mang lại lợi ích cho cả hai công ty trong sản xuất kinh doanh và phát triển KHCN phục vụ mục tiêu phát triển bền vững cho hai doanh nghiệp mà còn nhằm đóng góp nhất định cho sự phát triển của ngành giao thông vận tải của Việt Nam nói chung.
Bình luận