Tin tức

FECON: Khát vọng vươn cao

  • 13.09.2021
  • |
  • 4736 (Lượt xem)

Đó là quan điểm nền tảng của ông Phạm Việt Khoa và những người đồng sáng lập khi đặt những viên gạch đầu tiên cho Công ty CP FECON, đi theo hướng một doanh nghiệp chuyên về kỹ thuật nền móng công trình. Quan điểm này xuất phát từ thực tế “bất kỳ công trình nào cũng phải thực hiện công đoạn nền móng” và dường như không chỉ đúng theo nghĩa đen ở các dự án, hơn 15 năm trước FECON cũng đã bắt đầu xây khát vọng, hoài bão của mình từ những nền móng, hầm ngầm của các công trình. 

Năm 2004, Công ty Cổ phần FECON được thành lập bởi ông Phạm Việt Khoa và một nhóm bạn bè là kỹ sư xử lý và thi công nền móng công trình, sau quyết định rời bỏ những ngày tháng an nhàn trong một tổng công ty nhà nước. 
Bắt đầu từ chính thế mạnh của những người sáng lập, buổi đầu, FECON bước vào thị trường xây dựng là một công ty chuyên về ép cọc, nền móng công trình. Một công việc bắt buộc phải có ở mọi công trình xây dựng nhưng lại chẳng có một công ty xây dựng nào thời điểm đó coi là ngành nghề chính, mà chỉ coi là một phần, một ngành phụ trợ trong toàn bộ gói thầu lớn. 

Chính ở “khoảng hở” này, FECON đã chớp lấy thời cơ và bắt đầu xây nền móng đầu tiên cho khát vọng của mình. 

Xác định rõ mục tiêu, con đường mà mình sẽ đi, ban lãnh đạo FECON đã quyết định cần nhanh chóng khẳng định thế mạnh của mình là phát triển các hoạt động nghiên cứu cũng như ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong từng hoạt động để xác định vị thế của FECON trên thương trường.

Với sự năng động sáng tạo và kết hợp với đội ngũ công nhân lành nghề, hệ thống thiết bị đồng bộ với những công nghệ hiện đại, FECON từng bước được thị trường công nhận là doanh nghiệp hàng đầu về kỹ thuật nền móng công trình, với hàng loạt công nghệ sản xuất, thi công mang tính đột phá và hiệu quả cao có thể kể đến như: công nghệ xử lý nền bằng cố kết chân không; công nghệ sản xuất và thi công cọc bê tông ly tâm dự ứng lực (PC/PHC); công nghệ xuyên tĩnh CPT-u, nén ngang DMT phục vụ khảo sát thiết kế nền móng,.., với hàng trăm dự án triển khai trên toàn quốc, trong đó có nhiều dự án FDI lớn và trọng điểm Quốc gia; quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh không ngừng mở rộng… 

Rất nhanh, cái tên FECON đã xuất hiện và ghi dấu ấn tại hàng loạt công trình công nghiệp trọng điểm như Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn; Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn, Nhiệt điện Thái Bình 1&2, Nhiệt điện Nghi Sơn 1&2, Nhà máy Samsung tại Thái Nguyên, Bắc Ninh, TP.HCM, Nhiệt điện Long Phú 1, Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Tổ hợp khu công nghệ cao Samsung Thái Nguyên, Nhà máy sản xuất, lắp rắp sản phẩm điện tử công nghệ cao LG (Hải Phòng), Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn…

Không chỉ vậy, FECON còn được các chủ đầu tư bất động sản hàng đầu trong nước tin tưởng lựa chọn là đơn vị thi công nền móng cho các công trình lớn như Goldmark City, Capitaland Hoàng Thành (Hà Nội), Celadon City, Garmuda Garden, Empire City (TP.HCM), Casino Nam Hội An (Quảng Nam)…

Luôn đau đáu, trăn trở làm thế nào để định vị hướng đi mới cho FECON sao cho vừa có “đất” cho những người cộng sự của mình vẫn có thể giữ lửa đam mê với nghề xây lắp vừa tạo được giá trị gia tăng cao và bền vững cho lĩnh vực mình đang hoạt động, cuối cùng, ông Phạm Việt Khoa - người đứng đầu FECON - và các cộng sự của mình đã tìm ra lời giải. Đó là đầu tư chuyên sâu vào xử lý và thi công công trình ngầm. 

Khởi nghiệp từ lĩnh vực nền móng công trình, FECON ngày càng mở rộng địa phận hoạt động và trở thành doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực hầm ngầm

Để chuẩn bị cho tham vọng này, từ sớm, FECON đã thành lập một công ty con chuyên về lĩnh vực công trình ngầm, tập trung một đội ngũ nhân lực khủng là các tiến sỹ, thạc sỹ trẻ từ các nước phát triển như Pháp, Đức, Singapore… FECON cũng cử nhiều kỹ sư đi học thạc sĩ công trình ngầm ở nước ngoài. 

Quyết định thành lập Viện Nền móng và Công trình ngầm (FECON INS), FECON cũng thể hiện quyết tâm của mình với lĩnh vực nền móng và công trình ngầm. Quy tụ các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu, qua đó giúp FECON chủ động lựa chọn công nghệ, lĩnh vực đầu tư, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm tối đa chi phí. FECON INS ra đời là bước ngoặt, không chỉ gia tăng sự khác biệt trong chiến lược phát triển của FECON, mà còn khẳng định giá trị gia tăng bền vững cho FECON được kiến tạo bởi giá trị chất xám. 

Không chỉ vậy, FECON còn hợp tác chiến lược với nhiều gã khổng lồ trong lĩnh vực công trình ngầm ở nước ngoài, cùng với hoạt động nghiên cứu công nghệ chuyên sâu của Viện Nền móng và Công trình ngầm, FECON đã thành công trong bước tiến tiên phong vào lĩnh vực công trình ngầm. 

Với sự chuẩn bị kỹ càng, FECON đã trở thành cái tên quen thuộc được nhắc đến đầu tiên khi người ta nhắc đến các công trình ngầm đô thị. 

Tháng 6/2018, đánh dấu cột mốc đáng nhớ trong lĩnh vực công trình ngầm của FECON khi hoàn thành gói thầu nhánh hầm thứ hai của gói thầu khoan hầm bằng robot TBM dự án Metro line 1 TP.HCM đoạn Bến Thành – Suối Tiên và thực hiện Dự án Metro line 3 Hà Nội. Đây cũng là nhà thầu Việt đầu tiên thực hiện TBM do chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn.

Thực sự trở thành một trong những biểu tượng của ngành xây dựng, nhất là trong lĩnh vực nền móng, công trình ngầm, FECON đi lên bằng thực lực và dần lớn mạnh qua quy mô từng dự án. Những thành công gặt hái được cũng ngày càng nhiều.

Năm 2016, FECON lần thứ 4 liên tiếp có mặt trong danh sách “50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam 2016” của Forbes. Được biết, Forbes Việt Nam sử dụng phương pháp xếp hạng có cân nhắc đến đặc thù các doanh nghiệp niêm yết. Dữ liệu sử dụng để đánh giá dựa trên báo cáo tài chính đã kiểm toán trong 5 năm liên tiếp và năm tài chính 2015 của các công ty. Xếp hạng lựa chọn các công ty có hiệu quả kinh doanh tốt nhất thị trường, bao gồm cả những công ty lớn và công ty vừa và nhỏ thuộc 13 lĩnh vực, kể cả đa ngành.

FECON cũng dần mở rộng sang lĩnh vực xây dựng hạ tầng với các dự án tiêu biểu như BOT Phủ Lý, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Đà Nẵng – Quảng Ngãi hay dự án FDI nổi bật như: Nhà máy Điện tử Samsung tại Thái Nguyên, Bắc Ninh, TP.HCM; nhà máy Điện tử LG Hải Phòng, nhà máy Honda…

Gần 20 năm xây dựng và phát triển, bằng việc tích lũy kinh nghiệm, giữ vững thương hiệu và uy tín, tập hợp được đội ngũ nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành tâm huyết với nghề, thêm vào đó các vị trí nhân sự lãnh đạo chủ chốt hiện nay của FECON đều được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm nhiều năm trong các lĩnh vực kinh doanh chiến lược của Công ty đã giúp FECON và các đơn vị thành viên gia tăng tối đa giá trị hoạt động, đây chính là các yếu tố đã giúp FECON trở thành một trong các doanh nghiệp lớn mạnh hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực kỹ thuật nền móng công trình nhờ những giá trị khác biệt, góp phần đáng kể trong quá trình phát triển của ngành xây dựng Việt Nam. 

Đến nay, FECON cũng đã có những hoạt động đẩy mạnh phát triển mảng xây dựng để chuyển dần từ nhà thầu phụ sang nhà thầu chính hoặc tổng thầu. 

Không chỉ phát triển ổn định và bền vững trên các công trình, FECON được giới chuyên gia đánh giá là có các chỉ số tài chính tương đối tích cực.

Bất chấp dịch bệnh Covid-19 hoành hành và giáng những cú đòn nặng nề xuống ngành xây dựng, FECON vẫn duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định suốt thời gian qua. 

Báo cáo tài chính hợp nhất nửa đầu năm 2021 của Công ty CP FECON (FCN) ghi nhận doanh thu thuần 1.341 tỷ đồng, tăng 12%. Lợi nhuận sau thuế hơn 50,3 tỷ đồng, tăng 38,9% so với cùng kỳ 2020. Riêng quý II/2021, lợi nhuận sau thuế của FCN là 35 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ. So với các doanh nghiệp cùng ngành, những chỉ số này được đánh giá tương đối tích cực trong bối cảnh thị trường xây dựng Việt Nam liên tiếp chịu tác động kép từ đại dịch Covid-19 và giá vật liệu xây dựng tăng cao, nguyên vật liệu khan hiếm. 

Năm 2021, FECON đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 3.900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 175 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 24% và 31% so với thực hiện năm trước. Công ty dự kiến trích tối đa 15% quỹ khen thưởng phúc lợi cho năm 2021 và cổ tức sẽ không quá 10% vốn điều lệ (bằng tiền). FCN cũng dự kiến dành 340 tỷ đồng đầu tư, phát triển các dự án năng lượng tái tạo và dự án hạ tầng đô thị trong năm 2021. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 1.220 tỷ đồng vào năm 2022.

Không chỉ ghi điểm trong mắt giới chuyên gia nghiên cứu, hầu hết các ngân hàng thương mại cũng duyệt cho FCN các khoản vay dựa trên các chỉ số tài chính và tình hình kinh doanh khá hiệu quả của doanh nghiệp này trong các năm gần đây.

Kết thúc năm 2020, công ty ghi nhận doanh thu 3.154 tỷ đồng, tăng 2,2% so với năm 2019, lợi nhuận sau thuế đạt 133 tỷ đồng. Trong năm 2020, ghi nhận doanh số ký hợp đồng kỷ lục với tổng giá trị hợp đồng đã ký trên toàn hệ thống gần 6.000 tỷ đồng. Trong đó, giá trị cho các dự án điện gió mà FCN tham gia là trên 2.000 tỷ đồng. Đây là một bước chạy đà vô cùng thuận lợi cho FCN trong việc thực hiện thành công chiến lược giai đoạn năm 2020 - 2025, tầm nhìn năm 2030, từng bước khẳng định năng lực của công ty với vai trò là tổng thầu xây dựng công nghiệp và hạ tầng. 

Đặc biệt, một trong những mảng kinh doanh chiến lược mà FECON đang đẩy mạnh phát triển là Xây dựng công nghiệp, năng lượng trong đó nổi bật là các dự án năng lượng sạch… đang cho thấy những dấu hiệu tích cực đầu tiên. 

Thời gian qua, FECON liên tục trúng thầu hàng loạt gói thầu lớn tại các dự án điện gió như dự án B&T Quảng Bình, dự án Thái Hòa, dự án Trà Vinh V1.3, dự án Lạc Hòa - Hòa Đông, dự án Quốc Vinh Sóc Trăng... 

Bước chân vào thị trường năng lượng sạch của FECON được đánh giá là một quyết định thức thời và đúng đắn, nhanh nhạy trong nắm bắt xu thế của thị trường năng lượng. Trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối diện với nguy cơ thiếu điện, cùng lúc đó nhiều dự án nguồn điện bị chậm tiến độ, việc thúc đẩy phát triển các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời là cần thiết và cấp bách. 

Chưa kể, theo số liệu từ Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, trong gần 10 năm qua, sản lượng điện sản xuất đã tăng hơn 2,3 lần, từ 101,4 tỷ kW giờ vào năm 2010 lên gần 235 tỷ kW giờ năm 2019. Trong thời gian tới, sản lượng điện của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh, với tốc độ trung bình 5,6%/năm, từ 245 tỷ kW giờ năm 2020 lên 950 tỷ kW giờ vào năm 2045. Mặc dù tỷ lệ sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất điện dự báo giảm nhưng các nguồn nhiên liệu hóa thạch (than và khí đốt) vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Điều này sẽ gây áp lực lớn lên nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, nhu cầu nhập khẩu nhiên liệu cho sản xuất điện ngày càng tăng, sẽ ảnh hưởng lớn đến biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng. Do đó, việc phát triển năng lượng tái tạo rất cần được quan tâm để phát triển nhanh trong thời gian tới.

Trước bối cảnh đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị không chỉ định hướng phát triển cho lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam, mà còn nắm bắt được xu thế phát triển, bảo đảm nhu cầu năng lượng của khu vực. 

Riêng với điện gió, theo Quy hoạch điện VII Điều chỉnh, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, Việt Nam sẽ phát triển 800MW điện gió vào năm 2020, chiếm khoảng 0,8% tổng nhu cầu điện khi đó. Mục tiêu là phát triển 2.000MW điện gió vào năm 2025 và 6.000MW vào năm 2030. Dự thảo Quy hoạch điện VIII (đang được hoàn thiện) đã đưa mục tiêu phát triển điện gió lên tới trên 11.000MW vào năm 2025.

Với cơ chế khuyến khích phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo mới của Chính phủ Việt Nam, nhiều nhà đầu tư đã tích cực tham gia nghiên cứu và đề xuất đầu tư các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo vào một số tỉnh, thành phố có tiềm năng. Và FECON đã không đứng ngoài cuộc. 

Giống như từ những ngày đầu khởi nghiệp, FECON vẫn được biết đến là một doanh nghiệp nổi tiếng với tầm nhìn xa và nhanh nhạy khi tập trung vào các thị trường mới, nhiều cơ hội, hiện tại, FECON đã sớm tham gia vào thị trường năng lượng tái tạo, điện gió đầy tiềm năng. Tại các dự án điện gió, FECON đều giữ vai trò nhà tổng thầu phần xây dựng và hạ tầng (CBOP), đảm nhận toàn bộ phần thiết kế và thi công các kết cấu chính và hạ tầng kỹ thuật cho công trình. 

FECON cho biết, trong năm 2020, mặc dù mảng đầu tư chưa hiện thực hóa được lợi nhuận để đóng góp vào kết quả của Công ty, nhưng cũng mang lại những thành quả tích cực. 

Nổi bật trong các thành quả trên là dự án điện gió ngoài khơi 500MW khi UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đồng ý chủ trương cho phép FECON thực hiện nghiên cứu lập hồ sơ đối với dự án nhà máy điện gió trên biển với tổng công suất dự kiến 500MW, diện tích nghiên cứu khảo sát dự án khoảng 120km2 vùng biển ngoài khơi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Ngoài ra, hiện FECON đang triển khai 5 dự án điện gió khác, trong đó có một dự án ven bờ. Doanh nghiệp đang dồn lực triển khai thi công để đưa các dự án này về đích đúng tiến độ, khẳng định năng lực mảng xây dựng công nghiệp, năng lượng - một trong ba mũi nhọn trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp.

Với dự án điện gió B&T Quảng Bình 8.000 tỷ đồng , FECON đạt tổng giá trị trúng thầu là 1.180 tỷ đồng, đảm nhiệm vai trò tổng thầu xây dựng và hạ tầng, gồm các hạng mục trụ móng tuốc-bin, đường nội bộ và đường dây trung thế 33KV, văn phòng điều hành… tại cụm trang trại điện gió lớn nhất trên bờ tại Việt Nam này. Tính tới thời điểm hiện tại, FECON đã hoàn thiện được cơ bản các hạng mục của gói thầu.

Tại cụm trang trại điện gió trên bờ lớn nhất Việt Nam B&T Quảng Bình, FECON đảm nhiệm vai trò tổng thầu xây dựng và hạ tầng, gồm các hạng mục trụ móng tuốc bin, đường nội bộ, đường cáp ngầm trung thế 33kV và văn phòng điều hành.

Tại dự án điện gió Thái Hòa (Bình Thuận) có công suất 90MW, FECON trúng gói thầu 276 tỷ đồng, được chủ đầu tư là Tập đoàn Thái Bình Dương (PACIFIC Corporation) giao toàn bộ công việc của Gói thầu số II.B01, gồm các hạng mục thiết kế bản vẽ thi công, thi công xây dựng móng trụ tuốc-bin gió, thi công xây dựng toàn bộ hệ thống đường giao thông dài 13 km và các hạng mục xây dựng phụ trợ khác như khu điều hành, cảng…

Tháng 10/2020, FECON đổ bê tông móng trụ tuabin đầu tiên Nhà máy Điện gió Thái Hòa đúng tiến độ

Dự án điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng, FECON trúng gói thầu trị giá 440 tỷ đồng, đóng vai trò tổng thầu xây dựng và hạ tầng, đảm nhiệm việc thi công hạ tầng, móng tuốc bin, trạm biến áp và hệ thống đường dây truyền tải điện. Với tổng vốn đầu tư 5.320 tỷ đồng, Nhà máy điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) có tổng công suất 129 MW. Trong đó, giai đoạn 1 có công suất 30 MW, với tổng mức đầu tư 1.420 tỷ đồng (dự kiến hoàn thành trong năm 2021); giai đoạn 2 có công suất 99 MW với tổng vốn đầu tư 3.900 tỷ đồng.

Với gói thầu hơn 527 tỷ đồng tại Dự án điện gió Lạc Hòa – Hòa Đông (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng), FECON đảm nhiệm việc thi công các hạng mục chính bao gồm: Thi công móng 16 trụ điện gió, thi công các cơ sở hạ tầng thiết yếu của dự án như đường, cầu, các khu làm việc chức năng, các trạm điện, cảng… Được biết, Dự án điện gió Lạc Hoà - Hoà Đông là dự án điện gió sở trụ có chiều sâu cọc PHC 800 sâu nhất Việt Nam được đóng trên cạn với chiều dài 70m tại trụ WTG6.

Nhà máy Điện gió Trà Vinh V1.3 với các móng trụ nằm hoàn toàn ngoài biển

Nhà máy Điện gió Trà Vinh V1.3 (thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) có công suất 48 MW, gồm 12 tuốc bin do Tập đoàn REE làm chủ đầu tư. Tháng 8/2020, FECON trúng gói thầu cung cấp, thi công cọc thí nghiệm và cọc đại trà PHC D800C, D500C; thi công móng trụ điện gió; thi công cầu dẫn với thời gian thi công 1 năm, gói thầu trị giá 561 tỷ đồng. Với đặc thù thi công trên biển gặp nhiều khó khăn, FECON đã tính toán các phương án tối ưu để khắc phục yếu tố thời tiết, đưa dự án về đích đúng tiến độ.

Theo kế hoạch đề ra, các gói thầu tại dự án điện gió này sẽ được bàn giao trong năm 2021, không chỉ khẳng định năng lực của FECON trong mảng xây dựng công nghiệp, năng lượng mà còn góp phần đáng kể vào kết quả kinh doanh của Tập đoàn trong năm nay.

Như vậy tính đến nay, trong danh mục phát triển đầu tư dự án của FECON, có trên 1.000 MW năng lượng tái tạo, trên 800 ha khu công nghiệp và trên 250 ha khu đô thị. 

Dù là các công trình ngầm, các công trình hạ tầng đô thị hay các công trình điện gió, FECON đều đang từng bước chắc chắn, tiếp tục khẳng định năng lực và vị thế trên thương trường, từng bước vươn cao trên hành trình khát vọng dựng xây, phát triển doanh nghiệp mình nói riêng và ngành xây dựng Việt Nam nói chung. 

Theo Reatimes

Tin liên quan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *