Tin tức

Doanh nghiệp ngành xây dựng tìm cách vượt khó

  • 30.06.2021
  • |
  • 1916 (Lượt xem)

Ngành xây dựng đang trải qua thời điểm khó khăn khi liên tục đối mặt với sự “đứng hình” của bất động sản do tác động của đại dịch Covid-19 và sự leo thang của giá nguyên vật liệu. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp xây dựng đã tận dụng thời gian dịch bệnh như một cơ hội để tái cơ cấu, thay đổi chiến lược đầu tư nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn và duy trì đà tăng trưởng.

Tác động kép từ dịch bệnh và giá nguyên vật liệu

Trong báo cáo của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng của ngành xây dựng chỉ đạt 6,76% trong năm 2020, giảm đáng kể so với mức tăng trưởng 9,1% có được trong năm trước, chủ yếu do vấp phải những cú sốc lớn. Theo đó, sự "chững" lại của thị trường bất động sản trong năm 2019, đại dịch COVID-19 trong năm 2020 cùng với sự biến động của giá nguyên vật liệu đã tác động tiêu cực lên thành quả mà ngành này đạt được từ mốc 2016.

Theo số liệu từ Tổng Cục Thống Kê, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng là khu vực chịu nhiều tác động nhất từ dịch Covid-19 với tỷ lệ doanh nghiệp bị tác động là 86,1%. Ngoài ra, việc dịch Covid-19 bùng phát trở lại từ tháng 4/2021 cũng khiến nhiều dự án bị chậm tiến độ, ảnh hưởng đến công tác giải ngân đầu tư công cho các hạng mục xây dựng, xây lắp mới.

Song song với sự ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19, ngành xây dựng còn đối mặt với một khó khăn khác đó là việc giá cả vật liệu tăng đột biến, đặc biệt là thép xây dựng khi mà giá thép đã tăng mạnh trong 5 tháng vừa qua. Theo tính toán, tỷ trọng chi phí thép xây dựng trong tổng giá trị công trình chiếm khoảng 20% tùy quy mô và loại hình xây dựng. Tính đến tháng 5/2021, có loại thép đã tăng tới 40 - 45% so thời điểm cuối năm 2020. Ngoài ra, cát và đá tăng giá từ 15 - 20%, gạch xây dựng tăng 10%, ximăng, gạch ốp lát và bêtông tăng khoảng từ 5 - 10%. Giá nguyên vật liệu tăng vọt nêu trên đã ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng bởi chi phí xây dựng tăng đột biến sẽ làm giảm lợi nhuận, thậm chí nhiều đơn vị lâm vào cảnh thua lỗ.

Cổ phiếu ngành xây dựng điều chỉnh về vùng hấp dẫn

Các cổ phiếu ngành xây dựng như cổ phiếu CTD (Coteccons), FCN (FECON), HBC (Xây dựng Hòa Bình)… đều sụt giảm trái chiều với đà tăng của nguyên vật liệu, đặc biệt là giá thép trong thời gian vừa qua. Cụ thể, tính từ vùng đỉnh giữa tháng 3 đến 18/6, cổ phiếu của CTD (Công ty CP Xây dựng Coteccons) giảm gần 19% xuống 62.500 đồng/cp, cổ phiếu HBC (Xây dựng Hòa Bình)  giảm hơn 14% xuống còn 15,900 đồng/CP, cổ phiếu FCN cũng giảm nhẹ 9.7% về mức 12.500.

Diễn biến % tăng/giảm của cổ phiếu ngành xây dựng từ đầu Q3/2021

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI), đợt điều chỉnh giá vừa qua đã khiến các cổ phiếu ngành xây dựng về vùng giá khá hấp dẫn trong bối cảnh nhiều yếu tố hỗ trợ cho ngành trong thời gian tới như: (i) Giá thép được dự báo hạ nhiệt trong thời gian tới; (ii) Các cơ quan quản lý nhà nước tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công – tăng 24% với đầu năm 2021; (iii) Dịch bệnh sẽ dần được kiểm soát với việc chiến dịch vắc-xin cho người dân được triển khai.

Nỗ lực vượt khó và tín hiệu tích cực của doanh nghiệp

Nắm bắt cơ hội trong giai đoạn khó khăn nhất của ngành, các doanh nghiệp xây dựng như Công ty Cổ phần FECON (FCN), Tập đoàn xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC), Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD)… tiếp tục có những sự thay đổi mạnh về mô hình hoạt động để phù hợp với thị trường.

Cụ thể, với FECON, doanh nghiệp này đã bước đầu ghi nhận kết quả khả quan sau những điều chỉnh chiến lược kinh doanh thời gian vừa qua. Trong lĩnh vực thi công, dựa trên thế mạnh mảng truyền thống là nền móng và công trình ngầm, FECON đẩy mạnh vào các mảng hạ tầng và xây dựng công nghiệp. Doanh nghiệp đang trong giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ để trở thành tổng thầu của nhiều dự án công nghiệp và hạ tầng quy mô lớn tại Việt Nam. Song song với mảng thi công, FECON tiếp tục theo đuổi mục tiêu trở thành nhà đầu tư dự án uy tín trên thị trường, trong đó tập trung phát triển các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng; khu công nghiệp & khu đô thị sinh thái.

FECON mới thông báo trúng gói thầu thứ 3 tại Cụm trang trại điện gió trên bờ lớn nhất Việt Nam

Việc điều chỉnh chiến lược đã mang lại những kết quả tích cực cho FECON, đặc biệt trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn như 2 năm nay. Tổng giá trị các hợp đồng đã ký năm 2020 của FECON lên đến 6.000 tỷ đồng, con số này của năm nay ước tính đạt khoảng 3.400 tỷ đồng đến giữa tháng 6/2021, trong đó bao gồm các hợp đồng chuyển tiếp từ năm 2020. Các gói thầu lớn của FECON từ 2020 đến nay chủ yếu tập trung ở mảng xây dựng công nghiệp với hàng loạt dự án điện gió gồm: Cụm trang trại điện gió trên bờ lớn nhất Việt Nam B&T Quảng Bình (1.180 tỷ đồng), Điện gió Trà Vinh V1.3 (561 tỷ đồng), Điện gió Lạc Hòa – Hòa Đông (528 tỷ đồng), Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng (440 tỷ đồng), Điện gió Thái Hòa (276 tỷ đồng). Bên cạnh đó là các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị như Dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn – ga Hà Nội, hầm chui Lê Văn Lương, hạ tầng nội bộ Tổ hợp hóa dầu Long Sơn, Hạ tầng nội bộ Khu đô thị Lotus Đại Phước…

Kết thúc quý 1/2021, FECON đạt mức tăng trưởng đáng ghi nhận với doanh thu thuần đạt 580 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 17,4 tỷ đồng, lần lượt tăng 35% và 15% so với cùng kỳ năm 2020. Mới đây, doanh nghiệp này cũng công bố kế hoạch doanh thu năm 2021 ở mức 3.900 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 175 tỷ đồng, lần lượt tăng 24% và 31% so với thực hiện năm 2020. Điều này cho thấy sự vững vàng của FECON trong phát triển kinh doanh mặc dù chịu tác dộng kép năm 2021.

Ngoài FECON, một số doanh nghiệp khác cũng đã có những bước chuyển mình đáng chú ý như Tập đoàn xây dựng Hòa Bình. Trước những khó khăn thách thức, HBC đặt mục tiêu hướng ra thị trường nước ngoài là con đường tất yếu và hoàn toàn khả thi. Tập đoàn này đặt kế hoạch 2021 với doanh thu hợp nhất 13.500 tỷ đồng, lợi nhuận 235 tỷ đồng, đầu tư dự án bất động sản, năng lượng tái tạo là một số mảng kinh doanh được lựa chọn đẩy mạnh. Chủ tịch Hòa Bình chỉ ra cơ hội cho xuất khẩu công nghiệp xây dựng ra nước ngoài ngày càng lớn hơn sau đại dịch, khi hàng hóa và dịch vụ Trung Quốc không còn được ưa chuộng ở nhiều quốc gia. Các nhà đầu tư ở nhiều nước hiện nay đều quan tâm đến chi phí xây dựng và đang tìm kiếm những nhà thầy khu vực Đông Nam Á để thay thế, trong đó Việt Nam được đánh giá nhiều ưu điểm vượt trội.

Một doanh nghiệp khác cũng đang rất nỗ lực để thoát khỏi khủng hoảng là Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons. Cụ thể, tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2021, ông Bolat Duisenov, Chủ tịch HĐQT Coteccons khẳng định đã tái cấu trúc và chiến lược chuyển đổi mô hình hoạt động công ty, mở rộng kinh doanh ra thành nhiều mảng: Xây dựng công trình dân dụng; Tổng thầu EPC trong ngành năng lượng – nhà máy – tàu điện ngầm…; Dịch vụ tài chính và quản lý tài sản (vận hành, bảo trì)...

Mục tiêu đến năm 2025, Coteccons sẽ phát triển thành tập đoàn đa ngành với các mảng chính như là: Khu công nghiệp, bất động sản, vật liệu xây dựng, logistic và IT, dịch vụ bảo hiểm và tài chính. Có thể nói, doanh nghiệp này đang thực hiện những bước đi tiếp theo trong một chương phát triển mới để vươn mình trở thành một tập đoàn đa ngành hàng đầu. Ngoài ra, để đi nhanh trong các mảng mới, ví dụ như xây dựng – đầu tư hạ tầng cơ sở, Coteccons xem xét mua lại các công ty trong ngành, hoặc thành lập các tiểu ban chuyên phục vụ các nhà đầu tư nước ngoài. Coteccons sẵn sàng đầu tư cùng chủ đầu tư cho các dự án tiềm năng. Để chuẩn bị cho nguồn vốn dài hạn trong tương lai, Coteccons tăng giá trị trái phiếu lên 1.000 tỷ đồng, dự kiến phát hành trong thời gian tới.

Tin liên quan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *